Có mặt tại Trường Đại học (ĐH) Công nghệ miền Đông vào dịp trường tổ chức lễ tốt nghiệp cho sinh viên hệ chính quy khóa đầu tiên cách đây ít ngày, đánh dấu bước trưởng thành của nhà trường (sau 5 năm được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập), chúng tôi như vui lây với niềm vui của thầy và trò nhà trường cùng phụ huynh. Từ những trái ngọt đầu mùa này, trường sẽ thêm tự tin để bước tiếp trên con đường trồng người đầy vinh quang nhưng cũng không kém gian truân.
Chung niềm vui lớn
Buổi lễ trao bằng tốt nghiệp ĐH hệ chính quy ngành Dược học khóa 1 (2014 - 2018) đến hơn 9 giờ mới diễn ra, nhưng dưới sân trường và quanh khu hội trường, không khí đã rất rộn ràng với sự có mặt rất đông các bậc phụ huynh từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước về đây chung vui với con em họ, sau hơn 4 năm học tập vất vả. Các em xúng xính trong những bộ quần áo đồng phục tốt nghiệp, thay nhau chụp hình post lên Facebook, tiếng cười nói ríu rít. Buổi lễ được mở đầu bằng các tiết mục do sinh viên (SV) của trường tự biên tự diễn với những lời ca, tiếng hát khá mộc mạc nhưng cảm động, thay lời muốn nói đến công ơn của các thầy cô đã nuôi dưỡng con em họ hoàn thành một chặng đường dài đầu tiên trên con đường lập thân, lập nghiệp.
Có 77 SV ngành Dược học (Dược sĩ) được nhận bằng, trong đó có 5 em loại giỏi đã được ban giám hiệu trao thưởng; 52 em đạt loại khá. Đây là những SV có nhiều nỗ lực, kết quả học tập tốt nên đã rút ngắn được thời gian học tập dự kiến là 4,5 năm xuống còn 4 năm. Ngoài ra, còn có 2 SV tốt nghiệp ĐH hệ liên thông và một cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh cũng được công nhận tốt nghiệp.
Trong số những người có mặt trên hàng ghế đầu được mời lên trao bằng tốt nghiệp có PGS-TS-NGND Huỳnh Văn Hoàng - Chủ tịch Hội đồng sáng lập, nguyên hiệu trưởng đầu tiên, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM - Giọng xúc động, thầy Hoàng tâm sự: “Tôi làm nghề thầy giáo từ năm 1963 đến nay, vừa tròn 55 năm; cứ mỗi năm đều hướng dẫn một lớp SV tốt nghiệp. Điều đó làm cho mình như được trẻ lại. Cảm xúc lâng lâng, nhất là với lứa học trò đầu tiên của ĐH Công nghệ miền Đông ra trường. Lớp này tôi lo từ việc xin đất, xây dựng cơ sở vật chất đến tuyển sinh đầu vào. Tôi vui với niềm vui của người trồng cây đã tới ngày cho trái”.
Được chọn lên phát biểu cảm nghĩ, em Trần Phan Phương Dung (SV lớp Dược khóa 1) nói: “Thấm thoát mà đã 4 năm, mới ngày nào khi bước vào trường, mọi thứ vẫn còn rất bỡ ngỡ, cảm giác hụt hẫng, tủi thân khi bên mình không có ai thân thuộc. Có những ngày nằm ôm gối khóc thật nhiều vì nhớ nhà, nhớ cha mẹ, anh chị vì mình mà vất vả sớm hôm. Nhưng rồi thời gian trôi qua nhanh, từ những khoảng rừng ấy lại mọc lên những phòng thí nghiệm, ký túc xá khang trang nhiều tầng. Tiếp đến là tòa nhà A1 hoành tráng với rất nhiều phòng học. Nhờ đội ngũ thầy cô giáo tận tình và nhiệt huyết giúp cho các em học tập tốt lên, các em được học tập, tiếp thu kiến thức, tu dưỡng nhân cách, kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, văn hóa ứng xử của một SV ĐH Công nghệ miền Đông”.
Bạn Dung hứa sẽ là người con hiếu thảo, công dân tốt và dược sĩ của nhân dân để không phụ lòng cha mẹ và các thầy cô. Buổi lễ kết thúc với một tiết mục khá sâu lắng là lời tuyên thệ danh dự của các dược sĩ trong ngày ra trường, càng thêm ý nghĩa.
Hòa chung niềm vui lớn của các thầy cô chính là các phụ huynh. Ông Nguyễn Sơn, đến từ huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) với gương mặt rạng rỡ vì có con trai vừa nhận bằng tốt nghiệp loại khá. Ông nhận xét: “Học ở đây có môi trường thoáng đẹp, yên tĩnh nên các cháu cũng chuyên tâm học hành, học phí cũng vừa phải và ít hơn một số trường với mức 35 - 40 triệu đồng/năm. Buổi lễ hôm nay được tổ chức rất trang trọng”. Khi được hỏi về dự định của con trai sau khi tốt nghiệp, ông cho biết, sẽ tạo điều kiện cho con theo học lên thạc sĩ từ chính trường này.
Thêm tự tin trên hành trình trồng người
Từ tháng 3-2018, thầy Hoàng đã thôi chức hiệu trưởng và bàn giao lại cho GS-TS-NGND Trương Giang Long - một người đã có hàng chục năm theo nghề giáo và trước khi về trường, ông đảm nhiệm chức Giám đốc Học viện Chính trị Công an Nhân dân, cũng là một người rất tâm huyết với công việc trồng người. Hơn ai hết, ông là người ý thức được vai trò của công tác đào tạo nhân lực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng Đông Nam bộ.
Thầy Long cho biết: “Để kinh tế vùng Đông Nam bộ, khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam với TPHCM là đầu tàu phát triển tương xứng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành công nghệ - đó là một nguồn tài nguyên đặc biệt. Do đó, nhiệm vụ đặt ra cho Trường ĐH Công nghệ miền Đông cùng các trường trong khu vực là phải giải được bài toán then chốt này”.
Trên quan điểm ấy, ngay từ đầu Trường ĐH Công nghệ miền Đông đã xác định mục tiêu đào tạo phải gắn với thị trường lao động, gắn nhà trường với doanh nghiệp, gắn đào tạo với địa chỉ việc làm theo yêu cầu của xã hội, nên trường đã liên kết với các hãng dược mở cơ sở nghiên cứu dược tại trường. SV sau khi ra trường được các đơn vị tuyển dụng. Thậm chí, ngoài giờ học trên lớp, SV được gắn với các nhà thuốc thâm nhập thị trường để khi ra trường không còn bỡ ngỡ. Trường cũng đang đàm phán với các doanh nghiệp lớn của Hàn Quốc mở trung tâm đào tạo ứng dụng công nghệ ngay tại trường; phối hợp với các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động ở Việt Nam đào tạo lại đội ngũ công nhân, người lao động nâng cao tay nghề và sắp tới là xây dựng một Trung tâm Văn hóa Việt - Hàn ngay tại trường… Hiện nay, trường đang liên kết đào tạo hệ cao học với nhiều đơn vị như: Học viện Khoa học Xã hội, Học viện Tài chính, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Luật TPHCM và ĐH Vinh.
Với kinh nghiệm từng lãnh đạo học viện lớn của ngành công an, với tình yêu nghề nghiệp được nuôi dưỡng qua hàng chục năm và với bản lĩnh của một vị tướng như Hiệu trưởng Trương Giang Long, chúng tôi tin tưởng nhà trường sẽ phát triển đúng hướng và đạt được kỳ vọng đề ra trên hành trình trồng người trong thời gian tới.