Không ngừng đầu tư
Được thành lập ngày 11-11-2013, Trường ĐH Công nghệ miền Đông đã đầu tư xây dựng nhiều công trình lớn trên tổng diện tích 10ha, không ngừng đầu tư nhiều trang thiết bị, tài liệu giảng dạy, thư viện điện tử, môi trường học tập hiện đại. Hiện nay, trường có 10 ngành gồm: Dược học (Dược sĩ ĐH), Quan hệ công chúng, Công nghệ kỹ thuật ô tô, Công nghệ kỹ thuật xây dựng, Quản lý đất đai, Quản lý tài nguyên - môi trường, Quản lý công nghiệp, Kinh doanh quốc tế, Luật kinh tế, Ngôn ngữ Anh để đào tạo những dược sĩ, kỹ sư và cử nhân có phẩm chất đạo đức tốt, có trình độ kiến thức và năng lực thực hành đáp ứng nguồn nhân lực có trình độ cao cho địa bàn tỉnh Đồng Nai và toàn khu vực miền Đông Nam bộ.
Bên cạnh việc đầu tư trang thiết bị, trường chú trọng nâng cao chất lượng giảng dạy và xem đây là vấn đề then chốt. Ngay từ những ngày đầu thành lập, trường đã quy tụ được nhiều thầy cô có học hàm, học vị cao, là những giáo sư đầu ngành trong lĩnh vực giảng dạy và nghiên cứu, có trình độ chuyên môn cao, tận tâm với nghề. Trong đó có PGS-TS-NGND Huỳnh Văn Hoàng, nguyên là Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa TPHCM; PGS-TS Dược học Trần Công Luận, nguyên là Giám đốc Trung tâm Sâm và Dược liệu - Viện Dược liệu, Bộ Y tế; nguyên Trưởng bộ môn Dược cổ truyền - ĐH Y Dược TPHCM…
NGND-GS-TS Trương Giang Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ miền Đông (nguyên là Thiếu tướng, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân), cho biết với mục tiêu giải quyết việc làm cho sinh viên khi ra trường, ngay từ đầu, trường gắn việc đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động, đón đầu các nhu cầu ngành nghề đào tạo của các tỉnh trong khu vực. Hiện trường có 80 phòng học, giảng đường, 8 phòng học máy tính, 12 phòng thí nghiệm, 2 xưởng thực tập thực hành, 80 phòng ký túc xá cho hơn 420 sinh viên kèm theo các công trình như nhà ăn, nhà thi đấu đa năng, bể bơi và sân vận động.
Gắn đào tạo với giải quyết việc làm
Vấn đề việc làm cho sinh viên sau khi ra trường đang là bài toán khó đối với đào tạo trong nước, đây cũng là vấn đề được ĐH Công nghệ miền Đông quan tâm và đặt lên hàng đầu. Để giải bài toán đó, trường đã liên kết với các tập đoàn dược đặt xưởng thực hành ngay trong khuôn viên của trường để các học viên thực hành ngay tại đây. Sau khi tốt nghiệp, các sinh viên có nhiều cơ hội được các tập đoàn này tuyển vào làm ngay từ khi mới bước chân ra trường.
Song song với đó, trường đang đàm phán với một số đối tác thành lập trung tâm nghiên cứu, ứng dụng KH-CN tại trường để sinh viên có nhiều giờ thực hành, nghiên cứu thực tế và phối hợp doanh nghiệp nghiên cứu khoa học, phục vụ sản xuất. Cùng với đào tạo sinh viên, trường còn nhận đào tạo lại các lao động tại các doanh nghiệp nhằm nâng cao tay nghề, đồng thời kết hợp gắn với đào tạo văn hóa ứng xử, cung cấp lao động cho các doanh nghiệp nước ngoài. Sắp tới, trường sẽ thành lập Phòng Quan hệ công chúng, chuyên lo đầu ra cho sinh viên ngành kỹ thuật và ký hợp đồng với Công ty CP ô tô Trường Hải để đưa các kỹ sư tham gia giảng dạy, đào tạo kiến thức, kỹ năng thực tiễn cho các sinh viên.
Với công tác giảng dạy trường có chính sách thu hút, đãi ngộ với đội ngũ giảng viên, cán bộ giảng dạy và trong quá trình phát triển. Trường sàng lọc đội ngũ cán bộ, giảng viên, chọn ra những giảng viên có chất lượng cao và đặt hàng các tài liệu tốt nhất của các trường ĐH gắn với thực tiễn để đào tạo sinh viên. Ngoài ra để kích cầu đào tạo, trường có chính sách giảm học phí cho các đối tượng bộ đội xuất ngũ, công an hết nghĩa vụ và con em ở các huyện trong tỉnh có hoàn cảnh khó khăn, là hộ nghèo, sẽ được giảm 15% học phí. Tầm nhìn đến năm 2025, Trường ĐH Công nghệ miền Đông sẽ trở thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao khoa học kỹ thuật và công nghệ đa ngành của Việt Nam theo hướng ứng dụng thực tiễn phục vụ cộng đồng.