Bên cạnh hệ ĐH với 10 ngành đào tạo, trong tháng 9-2018, trường dự kiến tuyển sinh thêm 200 HV cao học hệ chính quy khóa mới với nhiều ngành đào tạo như: Chính sách công, Luật Kinh tế, Luật Tố tụng hình sự, Quản lý kinh tế, Quản lý giáo dục, Ngôn ngữ Anh, Luật Hiến pháp và Luật Hành chính…
Kích cầu đào tạo
GS-TS Trương Giang Long (Hiệu trưởng trường, nguyên là Thiếu tướng, Giám đốc Học viện Chính trị Công an nhân dân) tâm sự: “Chúng tôi xác định nhân lực về các ngành công nghệ chính là chìa khóa góp phần giải bài toán về nhân lực chất lượng cao cho khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Do đó, ngay từ đầu trường đã gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động và luôn tìm cách kích cầu đào tạo, đón đầu các nhu cầu đào tạo ngành nghề của các tỉnh trong khu vực kinh tế năng động Đông Nam bộ, nhất là các ngành công nghệ cung ứng lao động cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở các khu công nghiệp - khu chế xuất - khu công nghệ cao, góp phần giải bài toán về nhân lực cho tỉnh Đồng Nai và các tỉnh lân cận”.
Từ quan điểm đó, trường đã từng bước đi sâu nghiên cứu, mở các khóa đào tạo lại cho người lao động trong các doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nhằm nâng cao tay nghề theo yêu cầu của các doanh nghiệp FDI, đào tạo các ngành công nghệ để đào tạo lao động trong nước để đi làm việc tại Hàn Quốc; đàm phán với phía Hàn Quốc để mở trung tâm đào tạo ứng dụng công nghệ ngay tại trường. Trường cũng lập Phòng Quan hệ doanh nghiệp để lo đầu ra cho SV, liên kết đào tạo với các doanh nghiệp như Công ty Ô tô Trường Hải để SV thực hành tại doanh nghiệp và sau đó khi ra trường làm việc luôn cho Trường Hải. Trong tương lai gần, nhà trường sẽ xây dựng một trung tâm văn hóa Việt - Hàn ngay tại trường nhằm giúp SV của trường ngoài việc được trang bị kỹ năng cần thiết về công nghệ thì cũng có được một vốn kiến thức văn hóa căn bản, tạo thêm sự tự tin và cơ hội thành công cho SV khi tham gia vào thị trường lao động tại Hàn Quốc hay làm việc trong các doanh nghiệp Hàn Quốc ở trong nước. Trường dự tính sẽ mở cơ sở dược học ngay tại trường để gắn với các doanh nghiệp dược giúp họ tuyển được lao động sau khi SV tốt nghiệp. Trong thời gian học tại trường, các SV sẽ có liên hệ chặt chẽ với các nhà thuốc, giúp sản phẩm thâm nhập thị trường nhanh chóng, qua đó giúp các doanh nghiệp dược nắm được nhu cầu của thị trường để định hướng sản xuất theo yêu cầu khách hàng.
Một trong những chương trình kích cầu đào tạo sắp triển khai là chiêu sinh đào tạo cho đối tượng bộ đội xuất ngũ, công an hết nghĩa vụ và có chính sách giảm 15% học phí cho các đối tượng này; nếu điểm thi cao thì được miễn giảm 50% học phí; học giỏi thì giảm thêm 5% trong năm đầu tiên. Nhà trường cũng có chính sách ưu tiên miễn tiền ở ký túc xá cho SV có hộ khẩu thường trú ở huyện Thống Nhất (nơi trường đứng chân) và một số địa phương khác còn khó khăn của tỉnh Đồng Nai như là sự ý thức về trách nhiệm xã hội của nhà trường với tỉnh.
Không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo
Là trường sinh sau đẻ muộn nên vấn đề tuyển chọn đội ngũ giảng viên cơ hữu có chất lượng luôn được trường quan tâm thông qua các hình thức như mời các nhà khoa học, giảng viên có uy tín trong nước và quốc tế đến giảng dạy tiếng Anh, kèm cặp các giáo viên của trường và chăm lo cho thu nhập, đời sống của đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý. Hiện nay, giáo sư đang giảng dạy tại trường có mức thu nhập 20 - 22 triệu đồng/tháng, thạc sĩ 8 - 10 triệu/tháng, trưởng các khoa, phòng thì 15 triệu đồng/tháng, tiến sĩ thu nhập có thể tới 25 triệu đồng/tháng và 2 năm được tăng lương một lần.
Cùng với “chất xúc tác” về lương bổng - thu nhập thì vấn đề có một bộ giáo trình chuẩn, tiên tiến cũng được trường xem là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Theo GS-TS Trương Giang Long, Trường ĐH Công nghệ miền Đông đã tiến hành mua lại bản quyền giáo trình của các trường ĐH tốt nhất để soạn nên bộ giáo trình riêng của nhà trường và hàng năm đều được bổ sung thêm kiến thức mới để đảm bảo các giáo trình dạy cho SV không bị lạc hậu theo thời gian. Trường phấn đấu trong vòng 5 năm tới sẽ xây dựng được bộ giáo trình riêng.
Hiện nay Trường ĐH Công nghệ miền Đông đang thực hiện chương trình liên kết đào tạo cao học với 5 đơn vị gồm: Học viện Khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), Học viện Tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM, Đại học Luật TPHCM và Đại học Vinh (đào tạo các ngành công nghệ).