Theo Nghị quyết 165/NQ-CP ngày 20-12-2022 (Nghị quyết 165), để tiếp tục hỗ trợ kịp thời đối với học sinh, sinh viên, Chính phủ yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 theo quy định của Nghị định 81 (ngày 27-8-2021). Thực hiện Nghị quyết 165, tất cả các trường ĐH công lập trên cả nước ra thông báo giảm học phí, đồng thời có hướng giải quyết khoản học phí đã thu vượt trong học kỳ 1 năm học 2022-2023.
Đồng loạt giảm học phí
Ngay sau khi Nghị quyết 165 được ban hành, các trường ĐH công lập trên cả nước đã tiến hành họp hội đồng trường và ra thông báo giảm học phí trong năm học 2022-2023, thông báo lại mức học phí học kỳ 2. Đồng thời, các trường đưa ra hướng giải quyết đối với mức học phí đã thu vượt ở học kỳ 1 năm học 2022-2023 trước khi có Nghị quyết 165.
ThS Trần Nam, Trưởng Phòng Truyền thông và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), cho biết, thực hiện Nghị quyết 165, hội đồng trường và ban giám hiệu đã thống nhất điều chỉnh học phí trong học kỳ 2 năm học 2022-2023 cho sinh viên các khóa như mức của năm học 2021-2022. Tuy nhiên, chỉ những sinh viên khóa tuyển sinh năm 2021 trở về trước (tức sinh viên năm thứ hai trở đi) mới được điều chỉnh học phí theo mức cũ của năm học trước.
Cụ thể, ở hệ đại trà có mức thu năm học 2021-2022 trung bình 11 triệu đồng/năm học; hệ chất lượng cao có mức thu khoảng 36 triệu đồng/năm học. Riêng khóa tuyển sinh năm 2022 là khóa đầu tiên trường chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, nên vẫn áp dụng mức học phí mới theo lộ trình: hệ đại trà có học phí từ 16-24 triệu đồng/năm học, tùy theo nhóm ngành; hệ chất lượng cao có học phí cao nhất khoảng 60 triệu đồng/năm học; hệ đào tạo liên kết quốc tế có học phí khoảng 82 triệu đồng/năm học.
Tương tự, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) thực hiện cơ chế tự chủ tài chính từ năm 2022 nên trường cũng sẽ không tăng học phí cho những sinh viên trúng tuyển từ năm 2021 trở về trước. Còn sinh viên trúng tuyển năm 2022 vẫn áp dụng mức học phí mới theo quyết định cơ chế tự chủ của ĐH Quốc gia TPHCM (thu theo lộ trình từng năm).
Nhiều trường ĐH khác tại TPHCM như Trường ĐH Ngân hàng TPHCM, Trường ĐH Luật TPHCM, Trường ĐH Y dược TPHCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TPHCM, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, Trường ĐH Kinh tế TPHCM… cũng vừa có thông báo điều chỉnh mức thu học phí năm học 2022-2023 cho các khóa đào tạo, hệ đào tạo theo hướng bằng với mức học phí năm học 2021-2022.
Nhiều trường ĐH đào tạo khối ngành y và các trường ĐH công lập khác trên cả nước cũng đồng loạt thông báo giảm học phí học kỳ 2 năm học 2022-2003 bằng với mức học phí năm học 2021-2022 theo khung học phí quy định tại Nghị định 81 của Chính phủ.
Hoàn tiền hoặc khấu trừ vào học phí
Theo TS Phan Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, năm học 2022-2023, trường đã thu học phí với mức cao hơn năm trước khoảng 10% theo lộ trình đã công bố. Hiện sinh viên đã nộp học phí học kỳ 2 năm học 2022-2023 trước thời điểm có Nghị quyết 165. Vì vậy, mức học phí đã thu cao hơn sẽ được nhà trường xử lý theo hướng khấu trừ vào học phí cho năm học tiếp theo, và hướng xử lý này đã được phần lớn sinh viên đồng tình.
Trong khi đó, Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) đưa ra 2 hướng xử lý: sinh viên trúng tuyển từ năm 2021 trở về trước đã nộp học phí học kỳ 1 theo mức thu mới (tăng so với năm trước) thì sẽ cấn trừ vào khoản học phí học kỳ 2 năm học 2022-2023; hoặc sinh viên có thể liên hệ Phòng Kế hoạch - Tài chính để nhận lại tiền đã đóng do trường thu vượt.
“Dù chưa có hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Bộ Tài chính nhưng nhà trường đưa ra 2 hướng xử lý này để sinh viên lựa chọn nhằm giải tỏa những thắc mắc của sinh viên toàn trường”, ThS Trần Nam cho biết.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất, giáo trình, thư viện…, Trường ĐH Luật TPHCM đã công bố lộ trình tăng học phí từ trước mùa tuyển sinh năm 2022 và đã thu học phí theo mức mới.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Trần Hoàng Hải, quyền Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM, nhà trường phải thực hiện theo Nghị quyết 165 vì đây là quy định chung cho tất cả các trường công lập. Với sinh viên các khóa đang còn học, mức học phí thu vượt sẽ được trường khấu trừ vào học phí học kỳ 2. Còn với sinh viên đã nộp học phí học kỳ cuối của khóa học và đã tốt nghiệp ra trường, nhà trường sẽ liên hệ và chuyển trả phần học phí đã thu vượt vào tài khoản của sinh viên.
Còn theo chủ tịch hội đồng trường của một trường ĐH y khoa tại TPHCM, Nghị quyết 165 ban hành có phần hơi chậm nhưng đây là chính sách nhân văn và là chủ trương của Nhà nước, nên tất cả các trường công lập đều phải thực hiện. Tuy nhiên, nếu chính sách này kéo dài thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lộ trình nâng cao chất lượng đào tạo, cải tiến thu nhập và đầu tư cơ sở vật chất cho các trường y nói riêng và các trường ĐH công lập nói chung. Học phí thu vượt có thể hoàn lại cho người học, còn các khoản đầu tư khác như cải thiện thu nhập cho giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất… rất khó giải quyết. Chính vì vậy, các kế hoạch đầu tư theo chiến lược của trường đều phải tạm hoãn.
“Chính phủ cần xem xét về thời hạn thực hiện của Nghị quyết 165 vì hiện nay hầu như các trường đều có chính sách hỗ trợ, miễn giảm học phí cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Cùng với đó là chính sách vay vốn để học tập của Nhà nước”, vị chủ tịch hội đồng trường này kiến nghị.
Theo Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD-ĐT), học phí hiện nay ở các trường ĐH công lập (kể cả trường công lập tự chủ tài chính) đang thực theo Nghị định 81 của Chính phủ, trong đó quy định mức trần học phí tăng theo lộ trình từng năm.
Với Nghị quyết 165, cần có thời gian để các trường thực hiện việc điều chỉnh, có thể ngay thời điểm này, nhưng cũng có thể sẽ vào học kỳ 2 của năm học 2022-2023. Hiện nay, Bộ GD-ĐT phối hợp cùng Bộ LĐTB-XH, Bộ Tài chính để ra văn bản hướng dẫn chung trong việc thực hiện Nghị quyết 165 của Chính phủ, dự kiến sẽ ban hành trước Tết Nguyên đán.