Trường đại học, cao đẳng chật vật thuê mướn cơ sở đào tạo

Hàng loạt trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) từ công lập đến tư thục đang chịu cảnh thuê mướn cơ sở vật chất để tổ chức đào tạo, có trường đã vài chục năm kể từ khi thành lập vẫn chưa thoát cảnh thuê mướn cơ sở.
Trường đại học, cao đẳng chật vật thuê mướn cơ sở đào tạo

Mặc dù điều kiện về cơ sở vật chất của một số trường không đạt yêu cầu, tiêu chí theo quy định hiện hành nhưng chỉ tiêu đào tạo hàng năm vẫn tăng, ngành mới vẫn cứ mở…

Hàng loạt trường thuê cơ sở

Tại địa chỉ 371 Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp (TPHCM) hiện có đến 2 trường ĐH cùng thuê để đào tạo, là Trường ĐH Mở TPHCM và Trường ĐH Gia Định. Cả hai trường dùng chung một khuôn viên và chia thành hai lối ra vào cho sinh viên của mỗi trường. Đáng nói, Trường ĐH Mở TPHCM thành lập từ năm 1993, nghĩa là đã 29 năm thành lập nhưng vẫn phải thuê mướn cơ sở để đào tạo. Còn Trường ĐH Gia Định thành lập từ năm 2007, đến nay các cơ sở đào tạo đều phải đi thuê mướn. Ngoài địa điểm này, Trường ĐH Gia Định còn thuê cơ sở tại số 185-187 Hoàng Văn Thụ, phường 8, quận Phú Nhuận, TPHCM. Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM thành lập từ năm 1982, đến nay đã 40 năm nhưng cũng chật vật thuê mướn cơ sở đào tạo. Hiện nay, trường thuê cơ sở tại địa chỉ 31 Chế Lan Viên, phường Tây Thạnh, quận Tân Phú (TPHCM) để đào tạo, thực hành cho các khoa điện - điện tử, cơ khí; còn Trung tâm Giáo dục phổ thông của trường thuê cơ sở trên đường Tân Kỳ Tân Quý, cách cơ sở 31 Chế Lan Viên không xa.

Trong khi đó, hàng loạt trường ĐH tư cũng thuê mướn cơ sở nhiều nơi để đào tạo hàng ngàn sinh viên. Trường ĐH Hoa Sen có cơ sở chính tại quận 1 (TPHCM) đã xây xong, nhưng hiện vẫn phải thuê mướn cơ sở tại quận 3 và quận 12 (TPHCM). Trường ĐH Nguyễn Tất Thành dù đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhiều nhưng vẫn phải thuê mướn cơ sở nhiều nơi ở quận 7, quận 12. Hay dù mang danh ĐH quốc tế, nhưng Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng phải thuê cơ sở tại 120 Hòa Bình, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú, TPHCM.

Đối với các trường CĐ, việc thuê mướn cơ sở vật chất gần như 100%, rất hiếm trường có đất để đầu tư xây dựng cơ sở. Trường CĐ Sài Gòn Gia Định thuê cơ sở tại 514 Lê Quang Định, phường 1, quận Gò Vấp (TPHCM). Tại cơ sở này, ngoài đào tạo hệ CĐ còn có cả trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông Sài Gòn Gia Định. Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn thuê địa điểm tại 32 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường 1, quận Gò Vấp (TPHCM). Nhiều trường CĐ khác như Trường CĐ Việt Mỹ, Trường CĐ Quốc tế TPHCM, Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, Trường CĐ Dược TPHCM, Trường CĐ Công nghệ Sài Gòn… cũng chủ yếu đi thuê mướn cơ sở để phục vụ đào tạo.

Ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo

Tiến sĩ Thái Doãn Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM, cho biết, trường thuê cơ sở trên đường Chế Lan Viên, quận Tân Phú chủ yếu để sinh viên học thực hành. Trường đã có đất phía sau lưng cơ sở chính, nhưng xin thủ tục xây dựng nhiều năm nay vẫn chưa được duyệt. Việc thuê cơ sở là điều trường không mong muốn nhưng để có chỗ cho sinh viên học, thực hành thì không còn cách nào khác. Còn Trung tâm Giáo dục phổ thông của trường lâu nay vẫn phải đi thuê chứ không có đất để xây dựng cơ sở.

Th.S Trịnh Hữu Chung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định, nhìn nhận: “Hiện nay, hai cơ sở của trường đều phải thuê nên ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo cũng như chăm sóc người học. Đến tháng 9-2023, Trường ĐH Mở TPHCM sẽ hết hợp đồng thuê tại địa chỉ 371 Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp và chúng tôi tiếp tục thuê lại địa điểm này, thuê hẳn đến 19 năm. Khi thuê dài hạn, trường sẽ tập trung đầu tư và chăm sóc sinh viên tốt hơn”.

Hiệu trưởng một trường ĐH tư thục tại TPHCM thừa nhận, việc thuê mướn cơ sở vật chất chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của các trường. Cơ sở đi thuê thì các trường không thể đầu tư nhiều máy móc, trang thiết bị cho đào tạo. Đã vậy, việc trả tiền thuê mướn cơ sở vật chất cũng chiếm rất nhiều trong chi phí đào tạo. Bản thân các trường không muốn đi thuê, nhưng cái khó là hiện nay không cho phép xây dựng trường ĐH, CĐ trong nội thành, nhiều trường có đất cũng không thể xây dựng.

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên thành viên Ủy ban Đổi mới giáo dục quốc gia giai đoạn 2021-2022, xây dựng cơ sở đào tạo là vấn đề khá nan giải đối với các trường ĐH, CĐ do đất đai trong nội thành chật hẹp, nhà nước không có điều kiện hỗ trợ cho cơ sở giáo dục, dẫn đến các trường phải thuê địa điểm để dạy. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo do mật độ sinh viên/lớp có thể tăng cao, phòng thí nghiệm và nhà xưởng có thể bị thiếu. Bộ GD-ĐT đã có quy định về chỉ tiêu tuyển sinh dựa vào hai căn cứ chính là diện tích sàn xây dựng và đội ngũ giảng viên, nhưng không thể cấm các trường đi thuê mướn cơ sở vật chất nếu địa điểm thuê đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, phải hạn chế tối đa tình trạng này bằng cách giới hạn mức độ tự chủ trong mở ngành và xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Thậm chí, cơ quan quản lý có thể đóng cửa ngành đào tạo nếu không đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý phải có “bàn tay sạch” và xử lý nghiêm minh, truyền thông rộng rãi cho xã hội biết. Người học khi đó sẽ có lựa chọn học ở cơ sở giáo dục khác tốt hơn.

Một đại diện Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam kiến nghị, để các trường chấm dứt cảnh thuê mướn cơ sở vật chất thì chính sách phải có chỗ mở cho các trường nếu các trường có đất, có dự án và có kinh phí (không xin ngân sách) để xây cơ sở phục vụ đào tạo. Ngoài ra, đối với những trường không đảm bảo cơ sở vật chất theo quy định thì Bộ GD-ĐT phải mạnh tay cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh. Hiện nay, tất cả dữ liệu về điều kiện xác định chỉ tiêu (cơ sở vật chất, diện tích sàn xây dựng, đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo) đều công khai và Bộ GD-ĐT nắm rõ. Do đó, không khó để phát hiện các trường thuê mướn cơ sở vật chất nhưng chỉ tiêu tuyển sinh vẫn tăng hàng năm, ngành mới vẫn mở đều đều.

Tin cùng chuyên mục