“Sự đổi thay tích cực từ nhận thức đến hành động của đa số cán bộ, giáo viên, học sinh sinh viên đã giúp nhà trường trở thành nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho doanh nghiệp trong và ngoài địa bàn TPHCM” - TS Nguyễn Thị Hằng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Quyết tâm đổi mới
* Phóng viên: Là một trong 3 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đầu tiên thực hiện thành công Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động, bà có thể chia sẻ sâu hơn về những thành công đó?
- TS NGUYỄN THỊ HẰNG: Khi phải nhận nhiệm vụ thí điểm đổi mới hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự giải trình trước xã hội, chúng tôi không tránh khỏi lo lắng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi xác định, tự chủ không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là chìa khóa nâng cao chất lượng đào tạo. Và, chỉ có tự chủ mới thực hiện được nhiệm vụ “đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội”.
5 năm qua, thành công của việc đổi mới được thể hiện rõ trong 5 nội dung cốt lõi. Cụ thể, về nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường đã chọn lựa, huấn luyện sinh viên tham gia đấu trường kỹ năng nghề quốc tế đoạt 2 giải: Chứng chỉ nghề xuất sắc và Chứng chỉ phát triển môi trường bền vững; cùng với đó là tỷ lệ học sinh có việc làm tại các doanh nghiệp chiếm trên 90%. Về tuyển sinh, tỷ lệ đào tạo thường xuyên tăng nhiều mặc dù học phí tăng gấp 2 lần so với khi chưa tự chủ.
Đáng chú ý, chúng tôi đã tạo môi trường thuận lợi nhất để mỗi cán bộ, giáo viên được phát huy tối đa năng lực làm việc của mình và được hưởng thụ theo hiệu quả công việc... Từ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 5%-10%/năm; đạt 15 triệu đồng/người/tháng trong năm 2020.
* Theo bà, điều gì dẫn đến những thành công trên?
- Vạn sự khởi đầu nan! Áp lực của người đi đầu bao giờ cũng rất lớn và chúng tôi chỉ được phép “thành” chứ không “bại”. Đổi mới thành công, chúng tôi sẽ vượt qua được chính mình để vững vàng tiến bước; đồng thời sẽ là tiền đề cho các trường khác thực hiện. Vì thế, điều làm nên thành công của chúng tôi trước hết nằm ở tinh thần dám đổi mới và quyết tâm đổi mới!
Thứ nữa, ngoài những nền tảng cơ bản nhà trường có được thì Quyết định 538/QĐ-TTg đã cho phép chúng tôi chủ động trên nhiều phương diện: xây dựng giáo trình, chương trình, chuyển giao khoa học, bảo đảm đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, đáp ứng các điều kiện theo quy định; được tự chủ trong hoạt động thu, chi theo quy định…
Nhờ đó, việc dạy, học đã gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của doanh nghiệp và đáp ứng yêu cầu của thị trường. Đặc biệt, việc được quyết định tiêu chuẩn tuyển dụng, sử dụng và bổ nhiệm, bãi nhiệm nhân sự làm công tác quản lý trong nhà trường đã giúp chúng tôi phát huy tối đa thế mạnh của cán bộ, giáo viên.
Một điều may mắn, việc đổi mới cơ chế hoạt động của nhà trường diễn ra trong bối cảnh quy luật cung - cầu đã hình thành trong đào tạo nguồn nhân lực ngày một rõ ràng. Sự thống nhất quản lý nhà nước về GDNN, sự ra đời của Luật GDNN, Bộ luật Lao động… đã tạo thuận lợi cho GDNN hoạt động. Cùng với đó, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ, Bộ LĐTB-XH, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trong từng khâu, từng việc. Quan trọng hơn cả, nhận thức của người học, xã hội về GDNN đã thay đổi đáng kể trong giai đoạn hiện nay.
Về chủ quan, chúng tôi có trong tay đội ngũ cán bộ viên chức trẻ, năng động, sáng tạo; đã hình thành mạng lưới doanh nghiệp chiến lược trong đào tạo, mô hình đào tạo gắn với doanh nghiệp, nhất là mạng lưới đào tạo Trường THPT - Trường Cao đẳng Kỹ nghệ II - Doanh nghiệp - Tổ chức cung ứng lao động.
Đồng bộ cơ chế tự chủ với quy định pháp luật
* Trong quá trình tự chủ, công tác giáo dục dạy nghề của nhà trường đã gặp những vướng mắc, khó khăn gì?
- Tự chủ, tự chịu trách nhiệm là một hoạt động mới và gần như ngược lại với cơ chế truyền thống nên khó khăn là vô cùng. Khi triển khai tự chủ, nhà trường phải thu học phí theo nguyên tắc lấy thu bù chi để tái mở rộng hoạt động đào tạo, ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh trong tuyển sinh, đặc biệt so với các trường công lập. Thời gian đầu, nhà trường thực hiện cơ chế tự chủ theo quyết định của Chính phủ trên nền tảng các quy định pháp luật chưa được sửa đổi, do đó không tránh khỏi những bất cập và “chênh”.
Cơ chế, chính sách dành cho doanh nghiệp tham gia vào GDNN chưa tạo được động lực để doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo. Đặc biệt, đây đó vẫn còn một số cán bộ trong trường, trong các bộ ngành liên quan chưa nhận thức đúng về thực hiện tự chủ.
* Từ thực tiễn triển khai đổi mới hoạt động theo cơ chế tự chủ, các trường nghề cần rút ra bài học gì?
- Để thuận lợi hơn trong quá trình tự chủ, trước hết phải đồng bộ giữa cơ chế tự chủ với các quy định pháp luật. Có cơ chế thực hiện một số nội dung trong tự chủ về chuyên môn, nhân sự, cơ cấu tổ chức bộ máy, tài chính khi các luật định chưa kịp thay đổi và đồng bộ với các trường đang thực hiện cơ chế tự chủ.
Ngoài ra, cần nhanh chóng có cơ chế đặt hàng đào tạo các trình độ để đảm bảo công bằng về chất lượng đào tạo giữa các trường trong hệ thống GDNN. Cho phép trường tự chủ được sử dụng dữ liệu kỳ thi tốt nghiệp THPT hàng năm để tư vấn, xét tuyển học sinh; được dạy chương trình văn hóa, thi tốt nghiệp THPT theo hệ giáo dục thường xuyên nhằm thực hiện công tác phân luồng hiệu quả.