Trường ca Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh: Bài ca về sự sống, tình yêu và hy vọng

1. Nếu trước đây, trường ca sử thi trong dòng chảy văn học cách mạng trong vắt, gần như nguyên chất, nguyên khối, hình tượng người lính hiện lên với bút pháp lãng mạn bay bổng luôn tỏa hào quang chiến thắng; thì nay chất sử thi đã có phần nhường chỗ cho chất đời tư, hòa cùng âm hưởng anh hùng ca là âm hưởng bi ca tạo nên một hợp âm bi tráng khá đặc sắc.

Sự biến đổi này được cho là kết quả của độ lùi thời gian, trường ca giờ có xu hướng khái quát về những cái được, mất của lịch sử thông qua những số phận cá nhân. Chân dung tinh thần của một thế hệ cầm súng hiện rõ qua thái độ lựa chọn và cống hiến. Từ cái cao cả, lớn lao của thời đại đến cái bình dị nhỏ bé của đời thường đều được thể hiện bằng cái nhìn chân thành, đầy đặn hơn.

CN4 B.jpg

Đời sống nội tâm của người chiến sĩ ở chiến trường, ngoài những điều thiêng liêng cao cả, còn là những điều thầm kín, những tâm tư, tình cảm cá nhân được bộc lộ hết sức chân thực, đời thường. Tiếng chim rừng và đất lửa Tây Ninh của Châu La Việt chính là một trường ca thành công viết theo hướng này.

Với đặc điểm dung lượng lớn, dài về câu chữ, phong phú về chi tiết, sự kiện nên trường ca luôn tìm tới những điểm tựa. Đó có thể là câu chuyện về lịch sử của một vùng đất, một thời kỳ, những con người anh hùng. Và điểm tựa trường ca của Châu La Việt chính là vùng đất thép, đất lửa của Nam bộ kháng chiến rất giàu trữ lượng sử thi - Tây Ninh!

2. Hai sợi chỉ xuyên suốt trường ca là 2 câu chuyện về 2 con người cùng điểm xuất phát từ làng quê Xuân Cầu (xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Họ ra đi cùng với tình yêu quê hương đất nước, cùng khát khao giải phóng quê hương, thống nhất đất nước, cùng một điểm đến là vùng đất “Tây Ninh nóng bỏng”

“Cũng những ngày ấy có một người Xuân Cầu/ Ông đã tới với chiến trường rất sớm/ Nơi ông đến đất Tây Ninh nóng bỏng/ Ông sẽ yêu như chính quê hương mình…”. Và rồi gắn với ông là những từ ngữ của sự bí mật như “người ấy”, “nằm vùng”, “đặc biệt”… “Người ấy” ở lẫn vào dân, sống cùng dân, lo lắng cái lo lắng của dân, cùng ăn khoai ăn sắn với dân: “Bà con gọi ông chú Tư Tô Lâm/ Bà con thương ông củ khoai củ sắn/ Áo bà ba đã bao mùa mưa nắng/ Áo bà ba vết đạn chửa kịp khâu…”. Một chi tiết thật đắt khi cho thấy sự nguy hiểm, cái chết luôn rình rập bất cứ lúc nào nên phải luôn vội vã!

Và trong chiến trường đó, người đồng đội, đồng hương Xuân Cầu còn lại là một người con gái: “Tuổi 19 mái tóc xõa ngang vai/ Em ra đi cùng bạn bè đồng đội/ Lần đầu tiên ba lô khoác lên vai…”. Người chiến sĩ - nghệ sĩ ấy tên là Tô Lan Phương, điểm nhìn trữ tình được trao cho nhân vật bộc lộ, giãi bày: “Có những đêm đi biểu diễn tối trời/ Mắc chiếc võng nằm ngắm vầng trăng sáng/ Nhớ quê hương, nhớ mẹ cha, bè bạn/ Úp mặt xuống võng mặc cho nước mắt rơi…”. Đó là những phút “xao lòng” ai cũng có khi xa quê, đang ở thời điểm đối mặt với sự dữ dội nhất của chiến tranh, thì giây phút ấy càng trăn trở, day dứt, mãnh liệt.

Như một logic nghệ thuật, không gian nghệ thuật trữ tình đồng hiện theo sự quy chiếu của hai cái tôi tâm trạng, ánh xạ vào nhau để cùng tỏa ra thứ ánh sáng nhân văn về tình yêu cội nguồn, tình đồng hương, và cao hơn nữa là tình yêu nước, tình đồng chí.

Tình quê nở hoa giữa tình yêu đất nước. Hai người lính, hai thế hệ ngẫu nhiên gặp nhau trong không gian thật đặc biệt: “Chú với cháu cùng quê hương Xuân Cầu/ Vườn nhà cháu ngày xưa chú thường sang hái quả/ Chú cũng họ Tô, là đội trưởng thiếu nhi từ nhỏ/ Đi rải truyền đơn, đi canh gác cho ông cháu họp hành”. Ngoài tình đồng chí, đồng hương, còn là nghĩa tình chú cháu chung không gian hoài niệm quê hương xa cách…

Mạch cảm xúc trường ca đi rất khéo, với mỗi cá nhân là những nỗi niềm riêng. Với Tư Tô Lâm (tên thật của đồng chí là Tô Quyền) là nỗi nhớ khắc khoải người vợ hiền nơi hậu phương xa xôi: “Như bao vợ của những người ra trận/ Một tay bà chăm sóc đàn con/ Đứa lớn đứa bé con trai con gái/ Tuổi ăn tuổi ngủ tuổi cắp sách đến trường/… Thằng anh lớn lên, nhường tấm áo cho em/ Con chị học xong, sách cho em học tiếp…”. Người chồng lại hoạt động bí mật nên “Bà thầm lặng không một lời than thở”. Đó cũng là một hy sinh lớn lao…

Với người con gái quê hương Xuân Cầu, giữa chiến trường, một ước mong nhỏ nhoi lại nói lên rất rõ nhân cách một con người đáng yêu, đáng quý, đáng phục, rất nghệ sĩ và cũng rất chiến sĩ: tất cả để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Đó là “có một chiếc đài” để “nghe tin tức”, “lắng nghe tác phẩm mới”, “học bài hát làm tiết mục nhiều thêm”. Đặc biệt là được nghe tiếng đàn của mẹ - một nghệ sĩ “vẫn đêm đêm gảy đàn thu thanh/ Trên làn sóng phát thanh tiếng thơ hay ca nhạc…”.

Giữa nơi chiến trường mong manh sống chết, một ước mơ nhỏ thôi nhưng ý nghĩa thật lớn vô cùng… Thế nên, tiếng hát của người con gái ấy không còn là tiếng hát thông thường. Trong không gian bom đạn ngút trời, đó là lời ca của con tim yêu thương, chân thành, trung thực đến đáy, thấu hiểu đến tận ngọn nguồn sự sống, thấu cảm đến từng tế bào máu.

Trái tim tìm đến với trái tim: “Những người lính bụng đói đến thắt lòng/ Bòng thắt ngang người gạo không còn một hạt/ Nhưng tất cả lặng im để uống từng tiếng hát/ Tiếng hát người con gái tuổi 20”. Phải trong hoàn cảnh ấy, phải là người nghe lúc ấy, đi làm nhiệm vụ như vậy, thì không còn là “nghe” bằng thính giác mà phải là “uống” bằng tất cả các giác quan. Vì lời hát ấy là nước ngọt mát lành, là suối niềm tin, là dòng sông tình yêu, và cao hơn, là sự sống.

3. Tác phẩm chỉ khép lại câu chữ còn chân trời nghệ thuật thì được mở ra mãi theo nhiều chiều của bài ca về sự sống, tình yêu và hy vọng. Có rừng xưa xanh bóng, có âm thanh tiếng chim, có mùa xuân bát ngát. Một bức tranh có cả cận cảnh và viễn cảnh, từ ngày xưa về đến hiện tại: “Hôm nay tôi về Tây Ninh/ Căn cứ xưa với rất nhiều chim hót/ Rừng tươi xanh như mùa xuân bát ngát/ Lại nhớ bài hát người nghệ sĩ năm xưa… Về Gò Dầu thăm dòng Vàm Cỏ Đông/ Lại nhớ người Anh hùng năm xưa chỉ huy quyết tử/ Hỏi sông ơi dòng sông còn nhớ…”.

Tin cùng chuyên mục