“Trường ca Đỏ”: Đêm linh thiêng Việt Nam

Ngày 26-7-2010, tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bình Phước sẽ diễn ra lễ dâng hương tưởng nhớ, tri ân những người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Chương trình do Tỉnh ủy - UBND tỉnh Bình Phước, Tập đoàn Tân Hoàng Thắng, Công ty cổ phần Truyền thông Thế Giới Đa Chiều phối hợp với Báo SGGP, VTV, VTC, HTV và Đài Truyền hình Bình Phước tổ chức. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông ĐINH HỒNG HẢI, Phó Trưởng ban Tổ chức chương trình về nội dung, ý nghĩa của chương trình.
“Trường ca Đỏ”: Đêm linh thiêng Việt Nam

Ngày 26-7-2010, tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bình Phước sẽ diễn ra lễ dâng hương tưởng nhớ, tri ân những người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Chương trình do Tỉnh ủy - UBND tỉnh Bình Phước, Tập đoàn Tân Hoàng Thắng, Công ty cổ phần Truyền thông Thế Giới Đa Chiều phối hợp với Báo SGGP, VTV, VTC, HTV và Đài Truyền hình Bình Phước tổ chức. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông ĐINH HỒNG HẢI, Phó Trưởng ban Tổ chức chương trình về nội dung, ý nghĩa của chương trình.

* PV: Thưa ông, vì sao lại chọn Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bình Phước làm nơi tổ chức chương trình “Trường ca Đỏ”?

* Ông ĐINH HỒNG HẢI: Đây là điểm cuối của tuyến đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại và là điểm khởi đầu cho các cánh quân trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tiến vào Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước… Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bình Phước là mái nhà chung của 4.500 anh hùng liệt sĩ cả nước đã hy sinh trên chiến trường phía Nam và Campuchia trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Đây cũng là 1 trong 3 nơi chúng tôi sẽ tổ chức sự kiện tri ân như vậy (năm tới là địa điểm cánh quân tiến vào Sài Gòn từ cửa ngõ phía Đông ở Xuân Lộc Đồng Nai và năm tiếp theo là cửa ngõ phía Tây).

* Ông có thể nói rõ hơn về nội dung, ý nghĩa chương trình?

* Chương trình “Trường ca Đỏ” gồm 3 phần. Phần 1: Linh thiêng Việt Nam, gồm các bài hát ca ngợi truyền thống dựng nước, giữ nước hào hùng của các thế hệ tổ tiên từ hàng ngàn năm xưa. Phần 2: Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người, gồm những bài hát và tiết mục ngợi ca Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, Người đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi đến những thành công rực rỡ. Phần 3: Mẹ và chiến sĩ, ca ngợi sự hy sinh cao cả, lặng thầm của những người mẹ, người lính xung phong ra trận để cho non sông được nối liền một dải và trường tồn hôm nay.

Chương trình được thể hiện bởi các nghệ sĩ, ca sĩ từ thế hệ “tiếng hát át tiếng bom” đến hôm nay như NSND Thu Hiền, NSND Thanh Hoa, NSƯT Trung Đức, NSƯT Tạ Minh Tâm, Đăng Dương, Việt Hoàn, Lương Chí Cường, Anh Bằng, Đan Trường...

Không dừng lại ở một chương trình tưởng nhớ và tri ân đơn thuần nhân kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7; hướng đến Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, “Trường ca Đỏ” còn mong muốn thể hiện tấm lòng biết ơn sâu sắc, nhân bản, giàu cảm xúc và niềm tự hào dân tộc của những người đang có cuộc sống yên bình ngày nay đối với hàng triệu hồn - thiêng - sông - núi đã quên mình vì đất nước bao thế hệ qua, để từ đó khơi gợi những tình cảm nhân ái và tấm lòng biết ơn thế hệ cha anh đi trước bằng những hành động chăm lo, quan tâm thiết thực hơn...

Ông Đinh Hồng Hải (áo trắng) cùng đồng đội dâng hương tại mộ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo.

Ông Đinh Hồng Hải (áo trắng) cùng đồng đội dâng hương tại mộ Anh hùng Liệt sĩ Võ Thị Sáu tại Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo.

* Ý tưởng tổ chức chương trình đến từ đâu, thưa ông?

* Bắt đầu từ hành trình “Uống nước nhớ nguồn” mà chúng tôi thực hiện trong suốt 5 năm qua.

* Xin ông nói rõ hơn?

* Hành trình đó xuất phát từ những câu chuyện được kể và qua những chuyến đi của chúng tôi. Đặc biệt trong một lần tổ chức lễ tri ân tại Thành cổ Quảng Trị, trong Bảo tàng Thành cổ, chúng tôi đã lặng người khi thấy những hình ảnh, những nụ cười thật hồn nhiên tươi trẻ của các anh, các chị, những người lính bộ đội Cụ Hồ trước cái chết nơi trận chiến ác liệt 81 ngày đêm nơi đây để giành lại từng tấc đất Tổ quốc. Những hình ảnh ấy như mách bảo, thôi thúc chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình “Uống nước nhớ nguồn” trên khắp mọi miền đất nước.

Kể từ năm 2005 chúng tôi đã đến gần 500 nghĩa trang, đã đi trên những con đường “một thời máu lửa”. Có những nơi chúng tôi trở lại nhiều lần. Chúng tôi đã chứng kiến biết bao ngôi mộ có tên, những ngôi mộ vô danh và biết được rằng rất nhiều anh hùng liệt sĩ vẫn còn nằm lại nơi nẻo rừng.

Mỗi nơi chúng tôi đến, đơn giản để thắp cho các anh chị nén nhang, mời các anh điếu thuốc, mời các chị những viên kẹo ngọt ngào và cùng ăn cơm vắt từ “hạt gạo mùa chiêm”, đọc những bài thơ của các nhà thơ mặc áo lính và hát cho các anh chị nghe những giai điệu một thời đã thôi thúc các anh, các chị xung phong ra trận không tiếc máu xương, hiến dâng tuổi xuân cho Tổ quốc.

Đặc biệt, thời gian vừa qua, để làm chương trình “Trường ca Đỏ”, chúng tôi đã hành trình qua 63 tỉnh thành của cả nước để thăm quê hương các anh các chị. Hành trình đó thật khó khăn nhưng trong sâu thẳm, chúng tôi cảm nhận có các anh các chị cùng trở về “nơi mình đã ra đi”.

* Ông gửi gắm điều gì qua những hành trình về nguồn của mình?

* Đất nước đã trải qua 35 năm hòa bình và đổi mới. Lịch sử đã sang trang song những chiến công, kỳ tích của cha ông, của các anh hùng liệt sĩ đã làm nên huyền thoại Việt Nam, sẽ còn sống mãi, âm vang mãi trong tâm khảm đời sau.

Chúng tôi tin rằng, các anh, các chị vẫn còn đâu đây trên mọi nẻo đường đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn những anh hùng liệt sĩ mà “thân xác đây rồi, tên tuổi ở nơi đâu?” khiến chúng tôi day dứt. Điều chúng tôi mong muốn là mỗi người dân Việt Nam, “những ai chưa đến hãy đến một lần, những ai từng đến hãy đến thêm lần nữa”… - nơi những người con đất Việt đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc - để cảm nhận, để suy nghĩ và để làm những điều tốt đẹp thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày cho thật xứng đáng với những hy sinh lớn lao của các anh hùng liệt sĩ.

* Xin cảm ơn ông!
 

PHẠM PHƯƠNG ĐÔNG thực hiện

Tin cùng chuyên mục