Nhà thơ Hoài Vũ tên thật là Nguyễn Đình Vọng, sinh năm 1935. Quê quán của ông ở huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi nhưng sự nghiệp và văn chương ông hoàn toàn gắn với vùng đất và con người Nam bộ. Đặc biệt, những người yêu thơ và nhạc Việt Nam có lẽ không ai là không biết và yêu thích những bài ca nổi tiếng đi cùng năm tháng như Vàm Cỏ Đông, Anh ở đầu sông em cuối sông, Đi trong hương tràm, Chia tay hoàng hôn… được các nhạc sĩ nổi tiếng: Trương Quang Lục, Phan Huỳnh Điểu, Thuận Yến phổ nhạc từ thơ Hoài Vũ.
Trong không khí thân tình và ấm cúng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, là một người con của miền Nam ra Hà Nội công tác, trong những cuộc gặp gỡ với anh em, bạn bè, đồng chí và mọi người vẫn thường hát với nhau ca khúc Đi trong hương tràm.
“Năm nay chúng ta chuẩn bị kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; hướng đến kỷ niệm 80 năm thành lập nước... Những người như bác là tấm gương cho thế hệ hôm nay, trong những năm gian khổ, những năm hòa bình và bây giờ cũng vậy, luôn là tấm gương sáng để thế hệ hôm nay noi theo. Nhân dịp năm mới, chúc bác và gia đình sức khỏe, trường thọ, tiếp tục là trụ cột vững chắc để con cháu xoay quanh, để thế hệ trẻ noi gương tiếp tục xây dựng sự nghiệp cách mạng nói chung và sự nghiệp văn học nghệ thuật của nước nhà nói riêng”.
Xúc động trước tình cảm của Đảng và Nhà nước dành cho mình, nhà thơ Hoài Vũ bày tỏ: “Những ngày chuẩn bị đón Tết Giáp Thìn, mình là con rồng cháu tiên, nên năm nay là một năm rất có ý nghĩa với mỗi người dân Việt Nam. Tôi biết là các đồng chí bận trăm công ngàn việc. Ngay như đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, tối qua tôi xem trên truyền hình, thấy đồng chí đang phải dự chương trình trao giải Búa liềm vàng, mà chiều nay đã có mặt ở TPHCM rồi. Phải nói là tôi vô cùng xúc động, cũng không biết phải sống thế nào cho xứng với tình cảm, sự tin cậy của anh em, bạn bè như thế. Còn sống, tôi sẽ cố gắng làm hết sức mình để xứng đáng với lòng tin cậy, tình cảm của anh em, các đồng chí lãnh đạo và của Đảng và Nhà nước”.
Chia sẻ về dự định cho năm mới, nhà thơ Hoài Vũ cho biết, trước đây, hoạt động sáng tác của ông khá sôi nổi và trải rộng qua nhiều thể loại: thơ, văn xuôi, dịch, bút ký. Những sáng tác này đã được in ở nhiều nơi nhưng do điều kiện chiến tranh nên có những tác phẩm bị thất lạc. “Tôi mong muốn lúc nào đó thuận lợi, có thể tập hợp lại để in thành tuyển tập, trong đó, ghi lại được những gì mà mình đã thể hiện được trong tác phẩm”, nhà thơ Hoài Vũ chia sẻ.