Ngay sau khi Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội kết thúc, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi (ảnh) đã dành cho Báo SGGP cuộc phỏng vấn.
- PV: Ông có thể đánh giá một cách tổng quát về những kết quả đạt được trong 10 ngày đại lễ vừa qua?
Ông HỒ QUANG LỢI: Chưa bao giờ Hà Nội tổ chức một lễ hội lớn với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng như vậy. Có tới hàng trăm hoạt động, trong đó có 54 hoạt động trọng điểm trên mọi lĩnh vực. Đặc biệt, các chương trình như: Khai mạc đại lễ, Đêm huyền ảo Hồ Gươm, Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành, Đêm hội văn hóa, nghệ thuật chào mừng đại lễ tại sân vận động Mỹ Đình… được tổ chức trọng thể, dàn dựng công phu, đầy tính nghệ thuật, đậm đà bản sắc dân tộc, bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, với sự tham gia của hàng vạn chiến sĩ lực lượng vũ trang, diễn viên, nghệ sĩ.
10 ngày đại lễ lúc nào ra đường cũng nườm nượp người với nụ cười rạng rỡ, vui tươi, hồ hởi tham dự vào các hoạt động ngoài trời, các điểm biểu diễn văn nghệ được tổ chức ở nhiều nơi trong thành phố, đặc biệt là khu vực hồ Hoàn Kiếm. Sáng 10-10, chúng ta trào dâng niềm xúc động khi chứng kiến cảnh nhân dân đứng đông nghẹt tại các con phố, nhiệt liệt vẫy tay chào mừng, hát vang quốc ca, rồi bài Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng để đón đoàn diễu binh, diễu hành. Và càng xúc động hơn khi ta biết rằng đông đảo nhân dân từ các địa phương về Thủ đô đón đại lễ. Rất nhiều gia đình đi cả nhà, từ người già tới trẻ nhỏ, có cả những người từ biên giới phía Bắc hay ở trong Nam cũng lặn lội đường sá xa xôi để ra Thủ đô hưởng không khí của đại lễ ngàn năm có một.
Có thể nói, hơn 10 năm chuẩn bị cho đại lễ với nhiều giai đoạn, với sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, sự góp sức của các địa phương, và đặc biệt là nỗ lực, quyết tâm của cán bộ và nhân dân Hà Nội, Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã thành công rực rỡ.
- Theo ông, những giá trị nào cần phải phát huy sau đại lễ để tiếp nối truyền thống ngàn năm văn hiến của Hà Nội?
Đại lễ dù có hoành tráng đến đâu, ấn tượng đến mấy, rồi cũng sẽ qua đi. Điều quan trọng nhất là cột mốc lịch sử trọng đại này, với tất cả những ý nghĩa lớn lao của nó, sẽ tích hợp sức mạnh, nâng cao nhận thức, bồi đắp tâm hồn để trở thành một bệ phóng đưa Thủ đô bước vào một kỷ nguyên cất cánh mới.
Chào đón Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đâu chỉ là việc dốc sức xây dựng những công trình đồ sộ, các hoạt động lễ hội chào mừng mà căn cốt hơn, sâu sắc hơn, kỳ công hơn là làm cho xã hội đẹp hơn: đẹp hơn từ mỗi con người, đẹp từ tâm hồn, từ nhận thức đến hành vi. Không vứt rác ra đường, không dán quảng cáo trái phép lên tường đối với mỗi người dân, mỗi khu dân cư đâu phải là điều gì quá khó, nhưng nếu cả xã hội, tất thảy ai cũng làm được như vậy thì thành phố đã làm được một chuyện lớn mà những năm trước dường như bó tay. Cột mốc 1.000 năm, mấu chốt nhất là xây dựng con người, là xây dựng nền tảng văn hóa, tinh thần của xã hội. Điều quan trọng nhất, phải làm tinh hoa Thăng Long thấm vào việc làm hàng ngày của người Hà Nội để cuối cùng mọi công dân tự hào về truyền thống nghìn năm rạng rỡ, để điều chỉnh, uốn nắn mình.
Từ lâu rồi, chúng ta thường cố gắng khánh thành các công trình vào dịp lễ trọng, nhưng trên thực tế, tiến độ nhanh mà chất lượng vẫn tốt luôn là điều thách đố. Mong ước làm sao, các công trình được gắn biển 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội được đảm bảo chất lượng để xứng với cột mốc thiêng 1.000 năm. Đó là lòng tự trọng, là danh dự, là dấu ấn của thời đại chúng ta để lại cho hậu thế. Cột mốc vàng thiên niên kỷ này cho ta thấy rõ hơn hành trang mình đang có, thấy rõ hơn con đường dân tộc đang đi. Nó mang động lực của một bệ phóng tầm vóc kỷ nguyên!
Bệ phóng 1.000 năm không chỉ tích hợp sức mạnh từ những vận hội lớn, từ những công trình đồ sộ - nhà máy to, đường lớn, cầu dài - mà còn từ những việc làm bình dị thường nhật của mỗi công dân. Khi mỗi người dân, từ trong nhịp đập trái tim, đều coi Thủ đô như ngôi nhà của chính mình, coi việc của Thủ đô như việc của nhà mình thì đó chính là lúc bệ phóng 1.000 năm đã được nạp nguồn năng lượng quan trọng và quyết định nhất.
- Ngay sau đại lễ, những công việc cần phải làm là gì, thưa ông?
Các công việc lớn đang đòi hỏi một tinh thần khẩn trương. Chỉ 15 ngày sau đại lễ sẽ diễn ra Đại hội Đại biểu lần thứ XV Đảng bộ thành phố Hà Nội. Đây là đại hội đầu tiên sau khi Thủ đô mở rộng địa giới hành chính, lại được tiến hành ngay sau đại lễ, có thể nói, đây là một đại hội có tính lịch sử của Đảng bộ Hà Nội, được dư luận xã hội trông đợi sẽ tạo động lực to lớn cho Thủ đô trong giai đoạn mới.
Vấn đề lớn nhất của Hà Nội hiện nay là cơ sở hạ tầng của cả đô thị và nông thôn đều chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Chính vì thế, một trong hai khâu đột phá lớn được xác định trong nhiệm kỳ tới là tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Trọng tâm của hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị là xây dựng hệ thống giao thông, cấp thoát nước, xử lý ô nhiễm môi trường; đối với cơ sở hạ tầng nông thôn là các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Quy hoạch chung của Thủ đô sẽ xác định những khu vực phát triển đô thị, khu vực ưu tiên cho phát triển công nghiệp, những khu vực cho phát triển vùng nông thôn mới và những khu vực có chức năng là vành đai xanh của thành phố...
Đồng thời, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm tính công khai, minh bạch, thuận lợi cho người dân, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XV tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đang hội tụ tinh hoa và sức mạnh, càng cho thấy rõ hơn khát vọng và động lực cất cánh của Thủ đô và đất nước ta trong kỷ nguyên mới.
* Để phát triển nhanh hơn, nhiệm kỳ tới, Hà Nội đặt ra mục tiêu đạt cơ cấu kinh tế với tỷ trọng dịch vụ chiếm 54%-55%; công nghiệp 41%-42% và nông nghiệp 3%-4%. Hướng điều chỉnh tăng tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp đã đặt ra những vấn đề mới trong quy hoạch và phát triển kinh tế của Thủ đô. Cụ thể, lĩnh vực dịch vụ sẽ tập trung ưu tiên phát triển các ngành, các loại hình dịch vụ chất lượng cao như du lịch, thương mại, bưu chính, viễn thông, tài chính, ngân hàng, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo... Trong định hướng phát triển tới đây, phát triển kinh tế tri thức và hàm lượng công nghệ cao trong các ngành của kinh tế Hà Nội sẽ rất được chú trọng. Để đạt được mục tiêu này, Hà Nội đang tập trung cho vấn đề quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của Thủ đô, trong đó có việc khớp nối quy hoạch của Hà Tây trước đây với Hà Nội, tạo thành một quy hoạch tổng thể chung. |
Trần Bảo Trân