Chiều 22-6, Ban chỉ đạo Đề án Trung ương 6 tổ chức hội nghị khảo sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị tại Đảng bộ TPHCM.
Các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng đoàn khảo sát; Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, chủ trì hội nghị.
Đoàn khảo sát gồm có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Quang Dương, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Lê Tiến Châu, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Thứ trưởng Bộ Công an; Thiếu tướng Nguyễn Văn Gấu, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Đoàn còn có các đồng chí Đỗ Văn Phớn, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương; Nguyễn Duy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSNDTC; Vũ Chiến Thắng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ.
Cùng dự hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM; Nguyễn Hồ Hải, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM…
Lắng nghe vướng mắc từ thực tiễn
Mở đầu buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh Đề án Trung ương 6 là đề án rất quan trọng. Phương thức lãnh đạo của Đảng có ý nghĩa quyết định đến sự lãnh đạo thành công tuyệt đối của Đảng. Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban chỉ đạo Đề án Trung ương 6 đã có kế hoạch triển khai rất kỹ đề án này. Đến nay, Ban đã khảo sát được 26 tỉnh, thành ủy và bộ ban ngành trung ương. Nhiều hoạt động khác như hội thảo, tọa đàm cũng sẽ được tổ chức với tinh thần phát huy tối đa trí tuệ của các cấp ủy, tổ chức đảng, các đồng chí lãnh đạo, chuyên gia nhà khoa học trong việc cung cấp các luận cứ khoa học, kinh nghiệm, mô hình thực tế về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Với một thành phố lớn như TPHCM, đoàn khảo sát mong muốn được nghe các mô hình, cách làm tốt, những hạn chế vướng mắc từ thực tiễn về phương thức lãnh đạo của Đảng, kiến nghị với Trung ương để tiếp tục triển khai.
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM báo cáo kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa X. Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cũng phát biểu làm rõ, nhấn mạnh thêm nhiều vấn đề từ thực tiễn TPHCM.
Sẽ phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho TPHCM về biên chế
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh, đổi mới phương thức lãnh đạo là yêu cầu tất yếu khách quan trong quá trình lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt trong giai đoạn đổi mới thì vấn đề này cần tiếp tục được đẩy mạnh. Bởi khi đổi mới được phương thức lãnh đạo, nâng cao được năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền thì có thể tạo được sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc cùng xây dựng phát triển đất nước.
Đồng chí cũng nhấn mạnh, phương thức lãnh đạo của Đảng phải đồng bộ với những phương thức lãnh đạo khác mới có hiệu quả thực chất. Tuyên truyền vận động đường lối quan điểm phải đồng bộ với bố trí tổ chức bộ máy cán bộ, kiểm tra giám sát, phải nêu gương… tất cả phải tiến hành đồng bộ mới hiệu quả thực chất.
Trưởng Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh đến 3 vấn đề cốt tử trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Đó là: đường lối chủ trương, chiến lược, cương lĩnh; tổ chức bộ máy và cán bộ; kiểm tra giám sát. Đây là ba vấn đề cốt tử trong toàn bộ đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Ba vấn đề này cần có khuôn khổ. Trong đó, pháp luật chính là khuôn khổ để chủ trương đường lối của Đảng đi vào cuộc sống nhanh hơn.
Riêng về công tác cán bộ, theo đồng chí Trương Thị Mai cần có giải pháp để cán bộ sau khi được đào tạo, đáp ứng được tiêu chuẩn thì phải đi đường dài với Đảng, chứ không “nửa chừng xuân” ra khỏi bộ máy thì rất lãng phí. Còn ai không đáp ứng được phải chấp nhận dừng lại, còn cứ “à uôm” thì không thể vững mạnh.
Dẫn con số khoảng 0,5% trong tổng số hơn 5 triệu Đảng viên suy thoái, đồng chí Trương Thị Mai nhấn mạnh đến vai trò của người đứng đầu. Theo đồng chí, có những cơ quan mà văn hóa, bản lĩnh của người đứng đầu chi phối toàn bộ cơ quan đi theo xu hướng đó.
Cũng theo đồng chí Trương Thị Mai, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng phải đáp ứng được tốt nhất nhiệm vụ chính trị, phù hợp với tính chất đặc điểm của từng địa phương, cơ quan, đơn vị trong toàn hệ thống chính trị. TPHCM, Hà Nội, hay địa phương, đơn vị khác nhau đều có đặc điểm riêng, không thể dùng một cách thức áp đặt xuống cho toàn bộ.
Đồng chí Trương Thị Mai cũng chia sẻ với khó khăn trong công tác tổ chức bộ máy cán bộ của TP Thủ Đức và đề nghị phải tiếp tục nghiên cứu, xem tổ chức bộ máy của TP, “nếu không anh em không kham nổi, đuối sức khó thực hiện những mục tiêu đã đề ra”.
“TPHCM đang trong quá trình phát triển, có nhiều việc chúng ta làm tốt, thành công, có nhiều cơ chế chung có thể chưa thật sự phù hợp với TPHCM cần tiếp tục cụ thể hóa cho phù hợp”, đồng chí Trương Thị Mai nhìn nhận và lưu ý việc này cần tiếp tục phối hợp nghiên cứu để đề xuất sớm, để giải tỏa được những bất cập vướng mắc trong quá trình phát triển.
Phân công, phân cấp, phân quyền cũng là nội dung mà theo đồng chí Trương Thị Mai là rất quan trọng trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Dù quy định đã được sửa đổi, nhưng thực tiễn vẫn còn những thách thức, cần tiếp tục nghiên cứu để cụ thể hóa. Tới đây, trong việc giao biên chế sẽ phân cấp phân quyền mạnh hơn nữa. Trung ương có thể giao cho TPHCM một số lượng nhất định, tùy TPHCM bố trí, chẳng hạn có thể tăng cường cho TP Thủ Đức nhiều hơn.
Những quyết định đi vào lòng dân
Sau cùng, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đề cập đến vấn đề đổi mới lề lối phong cách làm việc. “Đối với TPHCM, một đô thị hiện đại thì cái này phải nhanh. Phong cách hiện đại hơn, chuyển đổi số nhanh hơn, ứng dụng công nghệ thông tin nhanh hơn để đi cùng nhịp đi phát triển”, đồng chí Trương Thị Mai gợi mở.
Đồng chí Trương Thị Mai nhận xét, TPHCM đến thời điểm này đã đi qua chặng đường dài và đang phục hồi rất nhanh. Các chỉ tiêu kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh, đối ngoại đều đảm bảo được. Lãnh đạo TPHCM đã ban hành nhiều quyết định đi vào lòng dân, được người dân ủng hộ, đồng tình, tất cả hướng về người dân sau đại dịch Covid-19 vừa qua. Những điều này tạo được đồng thuận, niềm tin, tạo được sự ủng hộ rất lớn của nhân dân, góp phần tăng cường, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng tại TPHCM.
Chia sẻ với những khó khăn thách thức của TPHCM, như đời sống người dân sau dịch còn khó khăn, một số cơ chế chính sách còn bất cập…, đồng chí Trương Thị Mai cũng bày tỏ niềm tin TPHCM sẽ quyết tâm cao, tạo được sự đồng thuận của người dân để tiếp tục thành công.