Trưởng ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM Lê Thái Hỷ: Chưa phục vụ tốt nhà đầu tư, trách nhiệm thuộc về SHTP

Giai đoạn 2 của SHTP

Qua 7 năm hình thành và phát triển (24-10-2002 – 24-10-2009), đến nay Khu công nghệ cao TPHCM (SHTP) có 13 doanh nghiệp đang hoạt động, 15 dự án xây dựng và 6 dự án chuẩn bị triển khai. Tính đến tháng 9-2009, ước tính tổng doanh thu từ sản xuất là 182,8 triệu USD, trong đó giá trị xuất khẩu 179,7 triệu USD... Đây là những kết quả đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn nhiều vướng mắc cần giải tỏa để SHTP thu hút được nhiều doanh nghiệp tên tuổi. Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Lê Thái Hỷ, Trưởng ban quản lý SHTP, cho biết:

Việc đã mời các nhà đầu tư “vào nhà” mà mình chưa phục vụ tốt thì trách nhiệm trước hết thuộc về SHTP. Do đó, bản thân SHTP phải chủ động và chuyên nghiệp hơn trong dự báo, nắm thông tin và xử lý (hoặc phối hợp với ngành chuyên môn xử lý) vấn đề phát sinh.

Những bức xúc của một số nhà đầu tư xung quanh vấn đề hạ tầng, xin được nói rõ hơn: Thứ nhất, về nạn “kẹt xe” trên xa lộ Hà Nội, chúng tôi đã báo cáo với UBND TPHCM và đề xuất nhiều kiến nghị (cũng nói thêm rằng chính các nhà đầu tư cũng “sốt ruột” và đã gửi văn bản cho Chủ tịch UBND TPHCM về quan ngại này với những giải pháp kiến nghị từ phía doanh nghiệp).

Một số nhà đầu tư cũng quan ngại về hạ tầng đường Lê Văn Việt, đoạn đi qua khu công nghệ cao (KCNC). Đây là tuyến đường do quận 9 quản lý và làm chủ đầu tư dự án nâng cấp con đường này. Do đó, chúng tôi đã chủ động đề xuất với quận 9 và UBND TP giao đoạn đi qua KCNC cho KCNC làm chủ đầu tư nâng cấp cùng với dự án nâng cấp cầu Bến Nọc. Tuy nhiên, trong khi chưa có quyết định, chúng tôi sẽ tìm biện pháp cải tiến ngay những tồn đọng để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư trong hoạt động.

Kiến nghị về chất lượng cung cấp điện: SHTP đã phối hợp với điện lực thành phố để hạn chế sự cố cắt điện đột xuất. Trong tháng 11-2009, chúng tôi sẽ bàn giao lưới điện ngầm cho ngành điện thành phố quản lý, vận hành theo quy định… Kế đó, trong năm 2010, tại SHTP sẽ có hiện diện của hải quan, sẽ có hệ thống ngân hàng để phục vụ nhà đầu tư.

- PV: Theo như chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân, ngày 30-4-2010 sẽ là thời điểm khánh thành giai đoạn 1 của SHTP, liệu có đúng tiến độ này không khi hiện nay, mọi việc còn khá bề bộn (như vấn đề tái định cư, hệ thống hạ tầng thiết yếu, nhà cho người làm việc trong khu công nghệ, nhà ở công nhân…)?

Ông LÊ THÁI HỶ: Đây thật sự là một thách thức đối với chúng tôi vì thời gian đến thời điểm đó không còn nhiều, trong khi còn không ít khó khăn – nhất là về mặt bằng. Và do đó, muốn thực hiện tốt chỉ đạo trên cần có sự nỗ lực của SHTP và sự hỗ trợ từ UBND quận 9 cùng các sở ngành. Về phần mình, chúng tôi sẽ phấn đấu hoàn thành các dự án đã có mặt bằng, nhất là khu phía Bắc đường Lê Văn Việt, nơi tập trung phần lớn các nhà đầu tư. Đối với những dự án đang bị ảnh hưởng bởi “mặt bằng”, chúng tôi sẽ thúc đẩy quá trình chuẩn bị đầu tư để sẵn sàng thi công khi đủ điều kiện.

Giai đoạn 2 của SHTP

Giai đoạn 2 KCNC có diện tích 613ha (gấp đôi diện tích giai đoạn 1). Ngoài việc đầu tư 5 loại hạ tầng thiết yếu (đường giao thông, điện, hệ thống cấp nước, viễn thông, hệ thống xử lý nước thải), san lấp và nạo vét suối, rạch…

Trong giai đoạn 2, SHTP triển khai một số hạng mục (phân khu chức năng) khá đặc thù như: khu không gian khoa học, khu nhà chuyên gia, khu bảo thuế, nhà máy điện KCNC. Tiếp tục tập trung thu hút đầu tư từ các tập đoàn, công ty về công nghệ cao có uy tín trên thế giới; trong đó, chú trọng thu hút đầu tư và tổ chức hoạt động của không gian khoa học (92ha), là “khu trái tim” của SHTP.

Theo ông Lê Thái Hỷ, rút kinh nghiệm từ thực tế triển khai giai đoạn 1, SHTP cần nghiên cứu và đề xuất một phương thức triển khai giai đoạn 2 thật hợp lý, trình UBND TP xem xét, phê duyệt; sau đó, tổ chức thực hiện quyết liệt, có trọng tâm trọng điểm. Điều chắc chắn là chúng tôi tiếp tục cần sự hỗ trợ từ Trung ương và thành phố trong quá trình xây dựng giai đoạn 2. Đó là vấn đề thu hồi đất (còn khoảng 110ha của giai đoạn 2), có mặt bằng nhanh cho thi công hạ tầng, thu hút đầu tư.

Thứ hai, rút ngắn thủ tục hành chính, nhất là trong đầu tư xây dựng. Thứ ba, đảm bảo và hài hòa các nguồn vốn cho đầu tư xây dựng (vốn ngân sách thành phố, vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương, các nguồn vốn khác). Thứ tư, hỗ trợ trong xúc tiến đầu tư. Thứ năm, chỉ đạo sự liên kết từ Đại học Quốc gia TPHCM, các viện trường, doanh nghiệp trong hoạt động R&D, đào tạo nguồn nhân lực, thu hút lực lượng các nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia các hoạt động trong KCNC, nhất là “khu không gian khoa học”.

Bá Tân thực hiện

Tin cùng chuyên mục