Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp (sinh năm 1948, Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương) là người đầu tiên trả lời HĐXX.
Trước tòa, bị cáo Dương Thị Bạch Diệp nói rằng “không hiểu” nội dung cáo trạng liên quan đến bị cáo mà đại diện VKSND Tối cao nêu tại tòa. Theo bị cáo, các nội dung nêu trong cáo trạng liên quan đến hồ sơ vay là không đúng, "đều là giả mạo từ con số đến các văn bản" và khẳng định không thế chấp tài sản nhà đất tại số 57 Cao Thắng (quận 3).
Tuy nhiên, những nội dung này thẩm phán cho rằng bà Diệp đã trình bày trong phiên tòa trước.
Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp nói rằng “không hiểu” nội dung cáo trạng liên quan đến bị cáo mà đại diện VKSND Tối cao nêu tại tòa. Ảnh: VĂN MINH
Người thứ hai trả lời tại tòa là bị cáo Nguyễn Thành Tài (sinh năm 1952, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM). Bị cáo trình bày, chủ trương hoán đổi đất không phải là của bị cáo. Bị cáo chỉ thực hiện theo chỉ đạo và trong quá trình ra các văn bản liên quan đến vụ hoán đổi này, bị cáo đều báo cáo cho Chủ tịch UBND TPHCM thời điểm đó.
Bị cáo cũng cho rằng không được phân công trong vụ việc hoán đổi đất công này, mà do khi đó là Phó Chủ tịch Thường trực nên nhận đơn xin hoán đổi khu đất. Theo bị cáo, việc này không sai vì làm đúng về mặt chủ trương và cũng không phải là người trực tiếp gây ra hậu quả.
Bị cáo Nguyễn Thành Tài (trái) tại phiên tòa sơ thẩm ngày 16-11. Ảnh: VĂN MINH
Trước đó, sáng 16-11, TAND TPHCM mở lại phiên xử sơ thẩm vụ sai phạm trong hoán đổi nhà, đất số 185 Hai Bà Trưng, quận 3, TPHCM. Có 10 bị cáo bị đưa ra xét xử trong vụ án này, trong đó bà Dương Thị Bạch Diệp (sinh năm 1948, Giám đốc Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương) bị xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Ông Nguyễn Thành Tài (sinh năm 1952, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM) cùng các bị cáo khác bị xét xử về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Phiên tòa lần này dự kiến diễn ra từ ngày 16-11 đến ngày 22-11. Đây là lần thứ hai TAND TPHCM đưa vụ án trên ra xét xử. Phiên xét xử sơ thẩm lần đầu diễn ra từ tháng 3-2021 và HĐXX đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Tuy nhiên, sau đó Viện KSND Tối cao đã có văn bản kết luận không cần phải điều tra bổ sung vì cáo trạng đã thể hiện rõ những nội dung tòa án yêu cầu.
Bị cáo Dương Thị Bạch Diệp. Ảnh: VĂN MINH
Trong vụ án này, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM (Trung tâm Ca nhạc) là bị hại. UBND TPHCM cùng một số sở ngành của thành phố, đơn vị, cá nhân khác tham gia phiên toà với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Theo cáo trạng, năm 2008, bà Dương Thị Bạch Diệp bàn bạc và thống nhất với ông Vy Nhật Tảo (Giám đốc Trung tâm Ca nhạc) hoán đổi tài sản nhà đất của công ty tại địa chỉ số 57 Cao Thắng, quận 3 với tài sản tại số 185 đường Hai Bà Trưng, quận 3 (Trụ sở Trung tâm Ca nhạc, cũng là tài sản của nhà nước) với mục đích xây mới trung tâm này.
Khi bà Diệp nhận tài sản tại số 185 đường Hai Bà Trưng đã không bàn giao giấy tờ nhà đất tại số 57 Cao Thắng như cam kết (thực tế tài sản này đã thế chấp ngân hàng để vay 8.700 lượng vàng). Mặt khác, khi nhận tài sản tại số 185 đường Hai Bà Trưng, bà Diệp đã mang đi thế chấp vay ngân hàng, chiếm đoạt tài sản của nhà nước 186 tỷ đồng.
Trong vụ hoán đổi này, ông Nguyễn Thành Tài và một số bị cáo khác được xác định có trách nhiệm liên quan.