>>> Toàn văn bài phát biểu của Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng tại hội nghị
Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo Quốc hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo khối các cơ quan Đảng, cơ quan Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, Văn phòng Chủ tịch nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, Hội Luật gia Việt Nam; các vị đại biểu Quốc hội; đại diện tỉnh, thành ủy, Thường trực Hội đồng Nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương…
Sau phát biểu khai mạc của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, đồng chí Võ Văn Thưởng, Thường trực Ban Bí thư đã quán triệt, chỉ đạo việc triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Đồng chí Võ Văn Thưởng cho biết, trên cơ sở Đề án do Đảng đoàn Quốc hội xây dựng, ngày 14-10-2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 19-KL/TW về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Theo đó, Bộ Chính trị thông qua Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV và giao Đảng đoàn Quốc hội căn cứ Kết luận để hoàn chỉnh Đề án, thông báo cho các cơ quan, tổ chức liên quan để triển khai thực hiện; đồng thời, giao các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể hoá nội dung Đề án vào chương trình công tác, chương trình xây dựng pháp luật hàng năm.
Tại Kết luận, Bộ Chính trị nêu rõ, mục tiêu của công tác xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, tạo lập khung khổ pháp lý để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, 12 định hướng phát triển đất nước, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược đã được Đại hội XIII của Đảng đề ra.
Trong quá trình triển khai thực hiện Định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ Chính trị lưu ý việc xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng, phải bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì có thể quy định thực hiện thí điểm.
Chỉ “những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh, có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa đạt đồng thuận cao thì có thể quy định thực hiện thí điểm. Trước mắt, chưa triển khai xây dựng những dự án luật có nội dung phức tạp, còn nhiều ý kiến khác nhau, cần có thêm thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng”, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh. |
Bộ Chính trị giao Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, các cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể hoá nội dung Đề án vào chương trình công tác, chương trình xây dựng pháp luật hàng năm; lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV; thường xuyên rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ lập pháp bảo đảm phù hợp với đường lối Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Tiếp tục chương trình nghị sự, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo tổng quan về Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và dự kiến Kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị.
Theo đó, trên cơ sở 8 nhóm định hướng lớn nêu trên và 70 định hướng cụ thể, căn cứ vào quỹ thời gian thực tế và khả năng thực hiện, Đảng đoàn Quốc hội và các cơ quan thống nhất xác định 137 nhiệm vụ lập pháp cần phải thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (Phụ lục 1) trên tổng số 193 nhiệm vụ do các cơ quan, tổ chức đề xuất (Phụ lục 3), bao gồm: 12 nhiệm vụ đã có trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2021 và 2022; 88 nhiệm vụ nghiên cứu, rà soát các văn bản luật hiện hành và 37 nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng văn bản mới. Đề án đã dự kiến phân công cơ quan, tổ chức thực hiện và thời hạn hoàn thành việc rà soát, nghiên cứu. Trong số 137 nhiệm vụ lập pháp nêu trên, đến nay các cơ quan đã hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát đối với 16 nhiệm vụ, trong đó đã có 13 dự án luật được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các năm 2021 và 2022; 3 dự án luật đang được đề nghị xem xét, bổ sung vào Chương trình năm 2022.