Phát huy lợi thế học trực tuyến
Chị Nguyễn Thanh Thảo (phụ huynh học sinh lớp 9, Trường Trung học Thực hành Sài Gòn, quận 5) cho biết, giáo viên chủ nhiệm đã gửi thông báo con chị sẽ học trực tuyến từ đầu tuần sau đến hết tháng 5-2021, với 3 môn: Ngữ văn, Toán và tiếng Anh. Tương tự, Trường THCS Minh Đức (quận 1) cũng đã công khai thời khóa biểu ôn tập trực tuyến cho học sinh khối 9 trên fanpage của trường từ ngày 7-5.
Cô Trần Thúy An, Hiệu trưởng Trường THCS Minh Đức, cho biết, nhận định tình hình còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch Covid-19, trường đã quyết định chọn hình thức ôn tập qua mạng cho học sinh khối 9 trên nền tảng ứng dụng MsTeams từ ngày 10 đến hết ngày 25-5.
Theo thầy Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1), trường sẽ tổ chức học trực tuyến để tiếp tục giảng dạy các môn chưa kết thúc trong phân phối chương trình. Riêng 3 môn Ngữ văn, Toán và tiếng Anh sẽ được tăng cường nhằm giúp học sinh chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 diễn ra vào đầu tháng 6. Học trực tuyến là phương án được hầu hết các trường THCS trên địa bàn quận Tân Bình lựa chọn.
Ở bậc THPT, thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), thông tin trường sẽ tổ chức ôn tập theo hình thức trực tuyến cho toàn bộ học sinh khối 12 trong 3 tuần còn lại của tháng 5 và trong tháng 6. Trường sẽ tổ chức thời khóa biểu ôn tập gồm 30 tiết/tuần, học trong các buổi sáng từ thứ hai đến thứ bảy và các buổi chiều thứ hai, tư, sáu.
Ngoài ra, vào chủ nhật hàng tuần, học sinh khối 12 sẽ được làm bài thi thử trực tuyến để đánh giá hiệu quả ôn tập. Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) chọn hình thức ôn tập trực tiếp trên lớp, nhưng theo cô Vũ Thị Ngọc Dung - Hiệu trưởng trường, cuối tháng 5, học sinh sẽ được làm bài thi thử trực tuyến, làm cơ sở xác định trọng tâm ôn tập trong tháng 6.
Tăng cường biện pháp an toàn cho học sinh
Tại Trường THCS Lạc Hồng (quận 10), toàn bộ học sinh khối 9 sẽ được ôn tập trực tiếp tại trường. Để đảm bảo quy định về giãn cách, các lớp sẽ được chia đôi sĩ số, duy trì ở mức 20 học sinh/phòng học, nửa lớp học buổi sáng, nửa còn lại học buổi chiều, học đến hết ngày 30-5. Tại Trường THPT Trưng Vương (quận 1), mỗi học sinh khi đến trường phải tự trang bị bình đựng nước cá nhân, không dùng chung chai nước, ống hút, muỗng, nĩa, khăn tay…
Trường hợp học sinh đã có chứng chỉ ngoại ngữ, không có nhu cầu ôn tập môn tiếng Anh, có thể trao đổi trực tiếp với giáo viên chủ nhiệm để có phương án ôn tập phù hợp. Cô Trương Thị Bích Thủy - Hiệu trưởng nhà trường cho biết thêm, học sinh sẽ ngồi giãn cách trong lớp học, duy trì sĩ số dưới 30 học sinh/lớp. Trong hai ngày 10 và 11-5, nhà trường vệ sinh toàn bộ phòng học, phòng chức năng, khu vực căn tin, nhà vệ sinh, các bề mặt tiếp xúc. Sau mỗi buổi học, tiếp tục duy trì việc khử khuẩn phòng học và bề mặt tiếp xúc. Bộ phận giám thị, quản lý học sinh phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn nắm bắt sát sao tình hình học sinh trong các tiết học nhằm kịp thời phát hiện trường hợp bất thường.
Thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10) chia sẻ, ở giai đoạn nước rút, học sinh thường có tâm lý căng thẳng, lo lắng, nhất là trong bối cảnh việc ôn tập bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Vì vậy, ngoài các hoạt động ôn tập, nhà trường lưu ý học sinh kết hợp thêm các hoạt động thể dục thể thao, thư giãn, giải trí... để giữ trạng thái tinh thần thoải mái. Còn theo thầy Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng, trong thời gian còn lại của năm học, học sinh cần giữ tâm lý ổn định, có kế hoạch ôn tập phù hợp, tập trung bổ sung những kiến thức, kỹ năng còn thiếu phù hợp khả năng tiếp nhận thực tế của bản thân.
Ngày 9-5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tiếp tục có công văn khẩn chỉ đạo các sở GDĐT; đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm, trường trung cấp sư phạm về việc tăng cường thực hiện biện pháp phòng chống Covid-19. Bộ GD-ĐT yêu cầu giám đốc các sở GD-ĐT, thủ trưởng các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, hướng dẫn của Bộ Y tế và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT cũng như của chính quyền địa phương; tuyệt đối không hoang mang nhưng cũng không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác trong công tác phòng, chống dịch bệnh… Bộ GD-ĐT cũng chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học, tổ chức kiểm tra, đánh giá phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh, viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục. |