Đảm bảo tính ổn định, lâu dài trong việc thi hành
Theo đó, đa số ý kiến đồng ý với sự cần thiết ban hành Nghị quyết để thực hiện chủ trương lành mạnh hóa hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), do tính chất cấp bách của vấn đề nợ xấu. Việc xử lý nợ xấu được coi là đủ cơ sở pháp lý, giúp tăng khả năng cung cấp tín dụng cho nền kinh tế và bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền.
Tuy nhiên, một số ý kiến lại băn khoăn vì dự thảo Nghị quyết không có trong chương trình mới bổ sung vào nội dung kỳ họp, đề nghị làm rõ việc tách thành Nghị quyết này và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD để đảm bảo tính ổn định, lâu dài trong việc thi hành, đảm bảo tính hợp lý.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc việc luật hóa các quy định, băn khoăn về việc Nghị quyết tạo điều kiện cho TCTD hơn là cho các đối tượng khác, ban hành Nghị quyết theo thủ tục rút gọn có thể tạo thành tiền lệ…
Về tính hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, Nghị quyết muốn khả thi thì phải bảo đảm phương thức xử lý đồng bộ, linh hoạt, có quy trình rút gọn, nhanh, cần thiết phải cưỡng chế một số con nợ rất chây ỳ, làm rõ trách nhiệm trong chất lượng thẩm tra, thẩm định khoản vay, phải bảo đảm điều kiện đề cao trách nhiệm chủ nợ; đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của khách hàng vay và sự phối hợp giữa khách hàng và TCTD, giữa cơ quan nhà nước và TCTD. Nghị quyết cần đảm bảo tính minh bạch đảm bảo trước khi xử lý tài sản theo quy trình thủ tục, phải xử lý trách nhiệm các đối tượng vi phạm, gây nợ xấu cao.
Nhiều ý kiến tranh luận về phạm vi điều chỉnh
Về phạm vi nợ xấu cần xử lý, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, có tới 4 loại ý kiến. Cụ thể, nhiều ý kiến cho rằng cần giới hạn phạm vi điều chỉnh là xử lý nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu đã xác định đến 31-12-2016, vì mục tiêu của Nghị quyết là xử lý các khoản nợ xấu đã tồn tại trong thời gian qua; những khoản nợ phát sinh sau 31-12-2016, TCTD phải nâng cao trách nhiệm trong quản lý, việc xử lý nợ xấu theo quy định của Luật TCTD và pháp luật hiện hành.
Một số ý kiến khác lại cho rằng, nếu Nghị quyết chỉ xử lý các khoản nợ trước 31-12-2016 thì sẽ không đồng bộ, có bất cập, việc thực hiện chính sách chưa thực sự trọn vẹn; có nợ xấu sinh thì phải xử lý, không nên dồn lại thì khó xử lý. Hiện nay chưa sửa các quy định pháp luật thì cần cho phép áp dụng Nghị quyết để xử lý tất cả các khoản nợ xấu, khi hết thời gian Nghị quyết có hiệu lực, sẽ sửa đổi các luật liên quan thì những khoản nợ phát sinh sau đó sẽ xử lý theo luật.
Lại có ý kiến nhất trí với phương án cho phép xử lý các khoản nợ xấu đến hết thời hạn hiệu lực của Nghị quyết, nhưng cần phải có cam kết đưa tỷ lệ nợ xấu về ngưỡng an toàn.
Một số ý kiến đề nghị Nghị quyết áp dụng xử lý nợ xấu tính đến ngày 31-12-2016; đối với việc xử lý các khoản nợ xấu sau thời điểm 31-12-2016, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về các khoản nợ đó và khi Quốc hội cho phép, sẽ sử dụng các biện pháp theo Nghị quyết này để xử lý tiếp nợ xấu trong thời kỳ có hiệu lực của Nghị quyết. Quy định như vậy nhằm tránh TCTD lạm dụng các biện pháp đặc biệt trong Nghị quyết và nâng cao trách nhiệm của TCTD trong xử lý nợ xấu.
Cũng có ý kiến đề nghị Nghị quyết áp dụng các khoản nợ xấu phát sinh đến 31-12-2016.
Tránh tận thu thuế làm ảnh hưởng đến giải quyết nợ xấu
Đáng lưu ý, liên quan đến thuế, phí, nhiều ý kiến đề nghị không quy định về miễn, giảm thuế, phí do lợi ích của quy định này không lớn, việc này cần đặt trong tổng thể chung về vấn đề ngân sách.
Một số ý kiến cho rằng, việc miễn phí thi hành án sẽ ảnh hưởng đến việc xã hội hóa công tác thi hành án.
Có ý kiến đề nghị giải thích rõ nghĩa vụ thuế quy định tại khoản 1 Điều này thuộc bên đảm bảo hay bên nhận bảo đảm.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng cần tránh việc tận thu thuế mà ảnh hưởng đến việc giải quyết nợ xấu, có thể miễn thuế, phí đối với những trường hợp mà kinh doanh mua bán nợ để xử lý nợ xấu hiệu quả hơn; phải đảm bảo trong xử lý tài sản thế chấp thì TCTD phải được hưởng trước, sau đó mới tính đến các khoản nghĩa vụ với ngân sách.
Có ý kiến cho rằng, việc miễn thuế, phí là phù hợp, về bản chất thì các khoản nợ xấu này đã không được bảo toàn giá trị của nó và rất khó giao dịch, quy định này sẽ giúp giao dịch mua bán nợ xấu được thuận lợi hơn; quy định này phù hợp với nội dung trong Thông báo của Bộ Chính trị về cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2016-2020.
Về thời hạn của Nghị quyết, nhiều ý kiến nhất trí với thời gian hiệu lực của Nghị quyết là 5 năm để đủ thời gian triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần rút ngắn thời hạn của Nghị quyết. Một số ý kiến đề nghị thời hạn của Nghị quyết đến năm 2020 để tạo áp lực cho các TCTD phải giải quyết xử lý nợ xấu, thời điểm này phù hợp với Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế (giai đoạn 2016-2020).