Trước khi xảy ra nạn phá rừng, nhà kính nở rộ, Đà Lạt đã bị lũ ống

“Chúng ta lên án việc bê tông hóa, phát triển “nóng” nhà kính, phá rừng là hoàn toàn đúng đắn nhưng để khắc phục là vô cùng khó khăn, có thể mất vài ba chục năm với kinh phí cực lớn, ảnh hưởng đời sống, nhà cửa, sinh kế của hàng nghìn người, thiết nghĩ cần chú trọng tới những giải pháp có tính khả thi hơn”, đó là chia sẻ của bạn đọc Khiếu Chí (phường 5, TP Đà Lạt) với Báo SGGP xung quanh câu chuyện cứ mưa lớn là ngập, sạt lở xảy ra tại phố núi đang được dư luận quan tâm.

Là một người dân Đà Lạt đã sống ở đây trên 60 năm, tôi xác nhận rằng Đà Lạt không phải bây giờ mới ngập. Đoạn cuối đường Phan Đình Phùng, ven suối gần Ngã ba Chùa, trường Việt Anh trên đường Hải Thượng đều từng ngập, khu vực hai bên suối gần thác Cam Ly được đặt tên là "Xóm Sình" bởi vì thường xuyên ngập nước, lầy lội. Như vậy là trước khi xảy ra nạn phá rừng, trước nạn bê tông hóa, trước khi có canh tác trong nhà kính thì Đà Lạt đã bị lũ ống.

Cơn mưa 90mm mấy tuần trước đã gây ngập cho Đà Lạt, ở vùng núi đồi bát úp như Đà Lạt, nước mưa không dàn đều như đồng bằng mà sẽ dồn xuống các thung lũng nhỏ hẹp tạo thành lũ ống.

Ngập trước khu vực chợ đêm Đà Lạt. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Ngập trước khu vực chợ đêm Đà Lạt. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Nhiều ý kiến cho rằng bê tông hóa và nhà kính làm cho nước mưa không thấm xuống đất mà chảy thẳng xuống suối gây quá tải, điều này đúng một phần, tuy nhiên lượng nước thấm xuống đất cũng có giới hạn, nếu mưa liên tiếp nhiều ngày thì đất sẽ ngấm no nước và ngừng thấm, thậm chí dẫn tới tai họa khác là sạt lở, điều này cũng đã xảy ra tại Đà Lạt.

Trung tâm thành phố Đà Lạt là lưu vực suối Cam Ly, một lòng chảo mà mọi dòng nước đều tập trung chảy về con thác Cam Ly. Diện tích toàn lưu vực thượng nguồn thác Cam Ly là khoảng 30.8km², hợp bởi 2 lưu vực chính là lưu vực hồ Xuân Hương rộng 23km², lưu vực suối Phan Đình Phùng rộng 5,4km²

Lưu vực hồ Xuân Hương bao gồm vùng thượng nguồn hồ Than Thở và Mê Linh rộng 9,4km², trong đó riêng lưu vực hồ Than Thở tức là khu vực Thái Phiên, một vùng tập trung nhà kính lớn nhất thành phố, rộng 6km², phần còn lại là khu vực Nam Hồ và Chi Lăng, nước từ lưu vực này chảy vào hồ Xuân Hương qua hồ lắng ở đường Cách Mạng Tháng 8. Cũng thuộc lưu vực Xuân Hương là nhánh Hồng Lạc chảy vào hồ qua hồ lắng ở đầu đường Yersin.

Lưu vực suối Phan Đình Phùng là nhánh chính thứ hai, rộng 5,4km², trong đó phần thượng nguồn là khu vực Thánh Mẫu - Đông Tĩnh rộng 3,4km², trong lưu vực này trước kia có hồ Vạn Kiếp với lưu vực rộng 1,8km², khoảng năm 1973 hồ này bị bèo Nhật Bản xâm lấn dẫn tới vùi lấp. Lưu vực Thánh Mẫu - Đông Tĩnh kết thúc tại cuối đường Phan Đình Phùng nơi dòng nước đổ vào con suối chính qua một cống khá hẹp tạo thành điểm thắt cổ chai thường xuyên xảy ra ngập.

Suối Phan Đình Phùng và suối chính Cam Ly nhập dòng tại khu Abattoir, từ đây đổ về thác Cam Ly, một vùng đồi đá hoa cương chắn ngang như một con đập tràn tự nhiên, điểm thắt cổ chai thứ hai.

Với số liệu diện tích lưu vực vừa nêu, thử tính lưu lượng của một cơn mưa 90mm trong 2 giờ đồng hồ vừa qua dồn về các điểm thắt cổ chai: Ở cuối đường Phan Đình Phùng khoảng trên 40m³/giây; tại khu Chi Lăng, nơi trước đây là hồ Mê Linh là trên 100m³/giây; thác Cam Ly là trên 380m³/giây. Những cơn mưa như thế thường xảy ra hằng năm vào đầu mùa mưa kèm theo sấm sét và mưa đá. Ngay cả với các lưu vực rất nhỏ như khu chợ Đà Lạt hay chợ Hoàng Diệu, cơn mưa cỡ đó cũng gây ngập nếu như các miệng cống bị rác bít kín. Thực ra, diện tích bị ngập là khá nhỏ và thời gian ngập cũng ngắn, chừng 30 phút là nước rút hết.

Nhiều du khách đến Đà Lạt cảm thấy bất tiện khi di chuyển trên các tuyến đường ngập nước. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Nhiều du khách đến Đà Lạt cảm thấy bất tiện khi di chuyển trên các tuyến đường ngập nước. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Người Pháp khi quy hoạch Đà Lạt đã nhận thức rõ nguy cơ lũ ống và cách đối phó của họ chính là tạo ra hàng loạt hồ nhân tạo trong các lưu vực chính. Hệ thống hồ tại Đà Lạt đến nay gồm: hồ Xuân Hương diện tích 43ha, hồ Than Thở diện tích 7,2ha, hồ Mê Linh diện tích 4,7ha (hiện nay đã không còn), hồ lắng đường Cách Mạng Tháng 8 rộng 1,2ha và hồ lắng đường Yersin rộng 0,66ha, hồ Vạn Kiếp diện tích 6ha (nay đã bị lấp), hồ Đội Có rộng 0,7ha, hồ Tổng Lệ rộng 1,25ha, hồ Sân Golf rộng 2,6ha, hồ Vườn hoa Thành phố rộng 2,5ha, hồ Đại Học rộng 1,4ha. Tổng cộng diện tích các hồ hiện có kể cả hồ Mê Linh vẫn có thể dễ dàng khôi phục là khoảng 65ha. Nếu khôi phục hồ Vạn Kiếp 6ha thì có khoảng 70ha mặt nước, cộng với các hồ chứa nước tưới của nông dân, ước chừng 1 tới 2% diện tích trồng trọt khoảng 30ha, ta có tổng diện tích mặt hồ chừng 1km².

Hệ thống hồ trên có thể chứa lượng nước mưa nhiều hơn lượng nước thấm xuống đất, làm chậm dòng chảy với điều kiện có một quy trình vận hành khoa học nhằm xả bớt lượng nước trong hồ trước khi mưa tạo chỗ chứa nước lũ, tích nước vào hồ khi mưa và xả ra từ từ khi dứt mưa. Tuy vậy dường như giải pháp này đã không được chú ý đúng mức. Hiện nay dường như hồ Xuân Hương được vận hành ngược với mục tiêu chống lũ: khi mưa thì xả nước ra để giữ mức nước không cao lên, khi không mưa thì đóng cửa xả để giữ cho mực nước khỏi hạ xuống.

Để ý là nếu Đà Lạt thoát nước càng nhanh thì vùng hạ lưu suối Cam Ly như Tà Nung, Thanh Bình càng dễ bị ngập nặng, vì vậy chống lũ Đà Lạt không thể chỉ chú trọng thoát nước nhanh, mà phải điều hòa dòng chảy bằng các hồ chứa.

Là một người dân đã cư trú hơn nửa thế kỷ ở đây, tôi xin đề xuất vài ý kiến nhằm tìm giải pháp khắc phục lũ ngập:

- Khôi phục các hồ đã bị vùi lấp, lấn chiếm như Than Thở, Mê Linh, Vạn Kiếp...

- Nghiên cứu vạch ra quy trình vận hành các hồ chứa để điều hòa dòng nước.

- Sửa chữa, nâng cấp các cống rãnh thiết kế kém, không hiệu quả.

- Xem xét đục thông dòng chảy phía trên thác Cam Ly cho dù phải đào đá và làm ảnh hưởng cảnh quan thác Cam Ly - thắng cảnh này ngày nay không còn thu hút khách, nên cân nhắc giữa các lợi ích.

- Vạch ranh giới hành lang an toàn dọc các con suối, hạn chế cư trú trong hành lang này, thậm chí giải tỏa di dời các khu vực nguy cơ cao.

Các việc trên không quá khó, nếu chịu khó nghiên cứu và quyết tâm thực hiện chắc chắn sẽ giảm tác hại của lũ lụt ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người dân và danh tiếng của thành phố du lịch.

Tin cùng chuyên mục