Tham gia chuyến thực tế sáng tác ca khúc do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp với tỉnh Bến Tre vừa tổ chức mới đây, thật bất ngờ khi tôi được gặp đại tá Ngô Thận Trọng, một thành viên Tiểu đoàn 307 từ những ngày đầu thành lập. Năm nay ông đã ngoài 90 nhưng trông vẫn còn rắn chắc, vạm vỡ và bước đi vẫn vững vàng.
Đại tá Ngô Thận Trọng trước bia kỷ niệm ngày xuất quân của Tiểu đoàn 307
Đứng trước bia kỷ niệm ngày xuất quân của tiểu đoàn, tôi cảm thấy như âm vang đâu đây tiếng hát hào hùng của NSND Quốc Hương: Ai đã từng đi qua sông Cửu Long giang, Cửu Long giang sóng trào nước xoáy. Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn, tiếng Tiểu đoàn 307! Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy, cả tiểu đoàn thề dưới sao vàng, người chiến sĩ tiếc gì máu rơi, buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy nguyện một lòng gìn giữ non sông… qua ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ thơ Nguyễn Bính. Mới đó mà đã 71 năm trôi qua, kể từ ngày tiểu đoàn được thành lập (1-5-1948) tại vùng căn cứ Đồng Tháp Mười gồm lực lượng của Khu 8 và một bộ phận quan trọng của Trung đoàn 99 Bến Tre hợp thành, với tên “Tiểu đoàn liên quân lưu động”.
Tuy được thành lập tại Đồng Tháp nhưng do địa hình nước mênh mông nên tiểu đoàn làm lễ xuất quân ngày 5-7 tại căn cứ Giồng Luông, xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre. Sau đó, vì thấy tên gọi “Tiểu đoàn liên quân lưu động” dài, dễ lộ bí mật, trên đơn vị đổi tên thành Tiểu đoàn 307.
Đứng trước bia kỷ niệm ngày xuất quân, đại tá Ngô Thận Trọng rất cảm động, ông nhớ về đội ngũ năm ấy giờ chỉ còn mười mấy người mà mỗi năm gặp lại càng vơi đi. Nhưng dẫu sao ký ức về những tháng ngày hào hùng của tiểu đoàn năm ấy vẫn luôn đọng lại không chỉ trong đồng đội ông mà còn trong lòng quân dân cả nước: Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy nguyện một lòng gìn giữ non sông…