Theo Tổng cục ĐBVN, việc đổi tên được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, có ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch Đầu tư và chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, nhằm thống nhất tên gọi dễ hiểu, đơn giản, được người dân và doanh nghiệp đồng tình chấp nhận.
Cùng với việc đổi tên trạm, các đơn vị cũng thực hiện thay thế từ “giá” bằng từ “phí” trong các cụm từ “Trạm thu giá”, “Biểu giá”, “Mức giá” trên hệ thống biển tên trạm, biển chỉ dẫn, bảng niêm yết mức thu và trên vé thu tại các trạm thu phí.
Tổng cục ĐBVN yêu cầu các đơn vị bao gồm các nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án BOT, Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc VEC, Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long và các đơn vị liên quan hoàn thành việc chuyển đổi trước ngày 20-7.
Đối với vé đã in, các đơn vị được sử dụng hết cho đến khi in vé mới. Tổng cục ĐBVN cũng giao Cục Quản lý đường bộ và Cục Quản lý đường bộ cao tốc đôn đốc, giám sát việc thực hiện chuyển đổi.
Trước đó, Tổng cục ĐBVN đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT cho đổi tên trạm thu giá thành trạm thu phí.
Theo đó, các dự án đường sẽ được gọi tên là trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ Km (lý trình) quốc lộ (tên quốc lộ); Dự án cầu gọi là trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ cầu (tên cầu) Km (lý trình) quốc lộ (tên quốc lộ); Dự án hầm là trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ hầm (tên hầm) Km (lý trình) quốc lộ (tên quốc lộ).
Trạm thu phí là tên gọi đã được sử dụng từ khi có cơ chế thu phí sử dụng đường bộ, theo quy định tại Điều 51 Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Tên gọi này phù hợp với thói quen của người tham gia giao thông, được xã hội chấp nhận.
Tên gọi “trạm thu phí” nay được hiểu là nơi thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ các dự án đầu tư xây dựng đường bộ để kinh doanh được điều hành theo Luật Giá.