Chiều 29-3, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về hợp đồng bảo hiểm vô hiệu theo quy định của Bộ luật Dân sự; sửa đổi quy định về quyền lợi có thể được bảo hiểm; hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm.
Để tạo thuận lợi, minh bạch cho nhà đầu tư và doanh nghiệp, dự thảo Luật đã chỉnh sửa theo hướng giấy phép thành lập và hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm đồng thời là giấy đăng ký doanh nghiệp (như quy định hiện hành); đồng thời bổ sung khoản 2, điều 71 quy định trách nhiệm của Bộ Tài chính trong việc thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật vào Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp…
Đáng lưu ý, còn một vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Đó là nên hay không nên tiếp tục trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm quy định tại điều 111 của dự thảo Luật.
Tham gia thảo luận, ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) bày tỏ đồng tình với quan điểm của cơ quan thẩm tra là không cần duy trì cả hai quỹ (Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm), vì mục đích thiết lập của 2 quỹ này đều là bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm khi mất khả năng thanh toán, góp phần bảo vệ người tham gia bảo hiểm. ĐB đề nghị không nên tiếp tục quy định về Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm tại dự thảo.
Có quan điểm hơi khác, ĐB Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) thì cho rằng, nếu đề nghị giữ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm thì cơ quan soạn thảo cần báo cáo, giải trình rõ hơn về hoạt động của quỹ và khi chuyển sang phương thức can thiệp sau (khi doanh nghiệp bảo hiểm đã mất khả năng thanh toán) sang phương thức can thiệp sớm và kết hợp mô hình quản lý trên cơ sở rủi ro thì quỹ này sẽ thế nào…
Tuy nhiên, ĐB cho rằng, nếu trích nộp quỹ mà cứ tính vào phần của người tham gia bảo hiểm là chưa phù hợp, nên chăng trích từ thuế của cơ quan kinh doanh bảo hiểm.
Phản hồi các ý kiến, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, việc duy trì Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm sẽ tạo sự chủ động hơn cho Nhà nước can thiệp khi doanh nghiệp bảo hiểm phá sản.
“Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ bảo hiểm cùng một mục tiêu là bảo vệ cho người được bảo hiểm nhưng hình thành khác nhau. Quỹ dự trữ bắt buộc được trích từ 5% lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp bảo hiểm và do cơ quan bảo hiểm quản lý. Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm hiện nay quy định trích 0,3% và nộp vào tài khoản do Bộ Tài chính quản lý. Từ khi hình thành đến nay là hơn 1.000 tỷ đồng. Bây giờ, nếu Quốc hội quyết định bỏ thì phải bỏ, nhưng chúng tôi muốn bảo tồn quỹ này, muốn giữ quỹ này để có công cụ chủ động, linh hoạt can thiệp khi doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản, để bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm”, người đứng đầu ngành tài chính nêu rõ.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh sau đó nhắc lại yêu cầu trước ngày 1-4-2022, Chính phủ phải có báo cáo chính thức về các nội dung có liên quan đến dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm, bao gồm cả việc xử lý số dư quỹ như thế nào.