Ngày 25-2, liên quan chủ trương đầu tư dự án xây dựng cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4, Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (TrungNam Group) cho biết, dựa trên kinh nghiệm và năng lực tài chính, TrungNam Group đề nghị UBND TPHCM và các sở ngành xem xét và tạo điều kiện để công ty tiếp tục thực hiện hồ sơ NCTKT hai dự án cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4 theo phương thức PPP, với hình thức hợp đồng BT theo Luật số 57/2024/QH15.

TrungNam Group cam kết huy động nguồn lực để triển khai hai dự án một cách hiệu quả, đảm bảo chất lượng, đẩy nhanh tiến độ nhằm góp phần phát triển hạ tầng giao thông và kinh tế - xã hội TPHCM.
Theo đơn vị này, dự án ĐTXD cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4 đã được UBND TPHCM đưa vào danh mục ưu tiên thu hút đầu tư giai đoạn 2024-2025 theo Quyết định số 4448/QĐ-UBND. Do đó, công ty mong muốn tiếp tục đóng góp vào việc triển khai hai dự án quan trọng này.
Trước đây, TrungNam Group cùng liên danh với CANGIO từng được UBND TPHCM chấp thuận nghiên cứu đề xuất dự án. Sở KH-ĐT (cũ) đã có báo cáo thẩm định số 791/BCTĐ-SKHĐT ngày 27-6-2017 gửi UBND TPHCM về phương án đề xuất. Sau đó, liên danh đã tài trợ tổ chức tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc cầu (Quyết định số 2479/QĐ-UBND ngày 11-6-2018). TrungNam Group đã trình hồ sơ báo cáo NCTKT lên UBND TPHCM và được Sở KH-ĐT thẩm định (văn bản số 291/019/TNG ngày 8-5-2019). Ngày 16-9-2022, Sở GTCC TP có văn bản số 9800/SGTVT-KH chấp thuận sử dụng kết quả nghiên cứu của TrungNam Group để hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng thẩm định TPHCM. Ngày 4-1-2024, TrungNam Group có văn bản số 06/024/CV/TNG đề xuất tham gia đấu thầu theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Đối với dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4, ngày 15-1-2024, công ty này có văn bản số 34/024/CV/TNG đề xuất tham gia đấu thầu theo phương thức PPP.
Căn cứ đề xuất tham gia hai dự án, Luật số 57/2024/QH15 (ban hành ngày 29-11-2024) sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến đầu tư, trong đó hình thức hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) được cho phép. Việc triển khai hai dự án cầu Cần Giờ và Thủ Thiêm 4 không chỉ giúp nâng cao kết nối giao thông mà còn tạo động lực phát triển đô thị, thu hút đầu tư và thúc đẩy kinh tế - xã hội TPHCM.
Về năng lực và kinh nghiệm, TrungNam Group đã tham gia đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng và đường dẫn (hợp đồng BOT); Nút giao thông Ngã Ba Huế, Đà Nẵng (hợp đồng BT); Dự án chống ngập do triều tại TPHCM (hợp đồng BT); Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn; Cầu Rạch Miễu 2; Cầu Phước An (Bà Rịa - Vũng Tàu - Đồng Nai); Đường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau; Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; Tuyến đường trên cao dọc Vành đai 2 Hà Nội...
Theo phương án thiết kế được lựa chọn trước đây, cầu dây văng với một trụ tháp có hình dáng cây đước, lan can được thiết kế hình sóng biển. Ngoài ra, các trụ đèn cầu khi thắp sáng sẽ tạo nên hiệu ứng rừng đước khi đi qua cầu, đồng thời thiết kế chiếu sáng nghệ thuật cho cầu. Theo thông số dự kiến của đơn vị thiết kế trước đó, trụ tháp cầu cao 230m, hai khoan hai bên trụ rộng 215m và 350m, tĩnh không thông thuyền là 55m. Thời điểm đó, UBND TPHCM cũng xác định quy mô, thông số của cầu Cần Giờ được tiếp tục nghiên cứu phù hợp định hướng điều chỉnh quy hoạch huyện Cần Giờ và có thể được điều chỉnh khi có căn cứ xác đáng.
Cầu Cần Giờ dài 3,4 km với bốn làn xe, vượt qua sông Soài Rạp tại khu vực hạ lưu phà Bình Khánh hiện hữu, nối từ huyện Nhà Bè sang huyện Cần Giờ. Hướng tuyến trùng với đường 15B, vượt đường Nguyễn Bình (huyện Nhà Bè), sau đó vượt sông Soài Rạp sang huyện Cần Giờ. Dự án cầu Cần Giờ được UBND TP kiến nghị Thủ tướng cho xây dựng với tổng vốn dự kiến 5.300 tỷ đồng. Tháng 8-2016, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương này.
Theo Sở GTCC TP, việc có cầu Cần Giờ thay thế phà Bình Khánh hiện hữu sẽ giúp kết nối giao thông trực tiếp huyện Cần Giờ với các khu vực lân cận và trung tâm TP. Cầu sẽ góp phần tác động tích cực đến các hoạt động du lịch, thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội của huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ nói riêng và TPHCM nói chung.