Dự lễ khánh thành có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn; Chủ tịch Trung ương Hội Cựu TNXP Việt Nam, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Vũ Trọng Kim; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Bình Trần Hải Châu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Hồ An Phong; Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Bình Đặng Đại Bàng; cùng đại diện lãnh đạo các ban, ngành, địa phương, Trung ương Đoàn, cựu TNXP.
Khu tưởng niệm Đại đội TNXP C283 gồm các hạng mục như đài tưởng niệm, hồ nước, cổng chính, sân hành lễ, nhà công vụ, khuôn viên cây xanh… với tổng mức đầu tư 27 tỷ đồng, diện tích xây dựng gần 1ha.
Theo Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Bình Đặng Đại Bàng, đền tưởng niệm thiết kế theo hình thức đình chùa Việt cổ. Hệ thống cột, dầm, xà gồ, mái xiên đổ bê tông cốt thép tại chỗ, sơn hoàn thiện giả gỗ. Mái dán ngói âm dương. Hệ thống cửa đi, cửa sổ dùng hệ cửa gỗ tự nhiên, sơn màu nâu sẫm. Nền lát gạch gốm kết hợp lát đá Granite tự nhiên trang trí.
Đài tưởng niệm có chiều cao 10,8m, được thiết kế lấy ý tưởng từ cây đèn bão, phần lõi bằng bê tông cốt thép, mặt ngoài hoàn thiện ốp đá xanh tự nhiên ghép khối. Biểu tượng ngọn lửa bên trong tượng trưng cho nhiệt huyết của tuổi trẻ; trong tim luôn rực cháy tinh thần đấu tranh, chiến thắng giặc xâm lược. Phù điêu lửa hai bên cho thấy sự khốc liệt của chiến tranh, nhưng thanh niên xung phong luôn vượt qua tất cả; phù điêu hoa thể hiện tuổi trẻ trong chiến trường tuy gian khó, ác liệt nhưng vẫn rất sôi nổi, lãng mạn.
Cách đây 48 năm, ngày 13-1-1973, một sự kiện bi tráng đã xảy ra trên mảnh đất lịch sử Quyết Thắng khi hàng trăm TNXP thuộc các đơn vị: TNXP Cù Chính Lan Nghệ An, TNXP Hà Tĩnh, TNXP Hải Hưng 283, công nhân Cảng Gianh 309, binh trạm 16 bộ đội xăng dầu, bộ đội thông tin và nhân dân HTX Quyết Thắng đang làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hoá từ các tàu thuyền vào kho để phục vụ cho chiến trường miền Nam thì các tốp máy bay phản lực Mỹ từ Hạm đội 7 đã tiến hành ném bom bắn phá cảng Gianh, trạm xá dã chiến tại xóm Dừa (thôn Quyết Thắng) khiến 156 người chết.
Ngày 10-1-2013, Báo SGGP có bài viết “Ước nguyện một tượng đài”, kể về sự kiện bi tráng này với các nhân chứng lịch sử địa phương. Từ đó, Tỉnh Đoàn Quảng Bình xây dựng hồ sơ, trình Trung ương xây dựng Khu tưởng niệm để có nơi chốn cho nhân dân tưởng nhớ, khói hương liệt sĩ đã khuất và bà con thiệt mạng trong trận đánh bom này.
Trung ương Đoàn đã giao cho Tỉnh Đoàn Quảng Bình làm chủ đầu tư, sau hai năm xây dựng, công trình tưởng niệm đã hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng như nguyện vọng của nhân dân và đồng đội của các liệt sĩ ngã xuống nơi đây, bên bờ sông Gianh. Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Bình cho biết: “Những tư liệu của Báo SGGP ở bài Ước nguyện một tượng đài là rất quý, tư liệu của báo là minh chứng lòng yêu nước nồng nàn của người đã khuất trên mảnh đất anh hùng này”.
Ngày 30-10-2011, UBND tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh với sự hy sinh của 156 người tại thôn Quyết Thắng. Thời gian tới, địa phương sẽ trình Trung ương công nhận di tích lịch sử quốc gia Khu tưởng niệm này.
Trong dịp này, nhiều hoạt động nghĩa tình cũng được triển khai, gồm: tặng nhà nhân ái, sổ tiết kiệm cho cựu chiến binh, cựu TNXP, tặng quà các bậc lão thành cách mạng, gia đình người có công trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; trồng cây tại khu tưởng niệm Đại đội TNXP C283; khởi công xây dựng ngôi nhà nhân ái; thăm và tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn của Trường THPT Chuyên Võ Nguyên Giáp; thăm Bà Mẹ Việt Nam anh hùng và cựu chiến binh tại địa bàn TP Đồng Hới.