Tại họp báo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy trả lời về kết quả đầu tư hạ tầng GTVT năm 2023. Theo ông, nhờ sự chỉ đạo sâu sát, sự phối hợp, vào cuộc của cả hệ thống, đầu tư hạ tầng là điểm sáng của năm 2023. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược có sự chuyển biến vượt bậc, nhất là đột phá về hạ tầng giao thông. Đầu năm 2023 khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam, giữa năm khánh thành 9 dự án, cuối năm khánh thành đồng loạt 4 dự án ngành giao thông; đưa vào sử dụng trong năm 2023 là 475 km đường bộ cao tốc (gần bằng kết quả của cả giai đoạn 5 năm trước đó), nâng tổng chiều dài đường cao tốc đưa vào khai thác đến nay là khoảng 1.900 km.
Đồng thời, khởi công 3 cao tốc trục Đông - Tây, 2 đường vành đai, cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, nhà ga T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành... Đưa vào khai thác Nhà ga T2 - Cảng hàng không Phú Bài, Cảng hàng không Điện Biên, cầu Mỹ Thuận 2, cầu Vĩnh Tuy 2 và nhiều công trình giao thông khác.
Về vấn đề phân cấp, ủy quyền trong đầu tư, Thứ trưởng cho biết, đó là tất yếu mà bất cứ quốc gia nào cũng thực hiện. Năm 2023, Thủ tướng đã phê duyệt 5 quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, rất đồng bộ, hiện đại. Khối lượng công việc thực hiện rất lớn, do đó bắt buộc phải phân cấp đầu tư, Bộ GTVT không thể làm hết được, không đủ cả về nguồn lực, con người, bộ chỉ quản lý nhà nước về chuyên môn. Vừa qua, Quảng Ninh là địa phương chủ động xin được phân cấp để đầu tư dự án giao thông, kể cả sân bay, cao tốc. Thực tiễn thực hiện chủ trương phân cấp đầu tư cho thấy, đó là tất yếu khách quan và rất phát huy hiệu quả.
Trả lời về xử lý các vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, năm 2023, có những điểm sáng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trong đó vấn đề thể chế được hoàn thiện hơn, ví dụ Nghị định số 08/2023/NĐ-CP quy định doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác, giúp cho thị trường hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, quy định về phát hành riêng lẻ cũng đã giúp cho thị trường ổn định trở lại, tăng niềm tin nhà đầu tư. Thứ trưởng kỳ vọng năm 2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ phát triển ổn định, lành mạnh.
Về thị trường cổ phiếu, chứng khoán, hiện nay Chính phủ, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện các quy định để thị trường phát triển an toàn; cùng với đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các vi phạm; tiến hành thanh lọc các công ty chứng khoán có vi phạm, yếu kém; ứng dụng công nghệ số để làm sạch dữ liệu nhà đầu tư chứng khoán…
Về kỳ vọng 2024, Thứ trưởng cho rằng, thị trường chứng khoán phản ánh kỳ vọng đối với nền kinh tế. Với những giải pháp lớn của Chính phủ để bảo đảm kinh tế vĩ mô năm 2024, đó là nền tảng để chúng ta hy vọng thị trường chứng khoán phát triển một cách bền vững. Trách nhiệm của Bộ Tài chính là bảo đảm để thị trường phát triển minh bạch, bảo đảm quyền lợi các nhà đầu tư. Năm 2024, cũng sẽ triển khai nhiều giải pháp khác nhau để Việt Nam sớm được có quyết định nâng hạng thị trường chứng khoán.
Về điều hành tín dụng trong năm 2024, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú cho biết, tăng trưởng tín dụng năm 2013 đạt 13,71%, tương đương đưa vào nền kinh tế 1,5 triệu tỷ đồng. Kế hoạch năm 2024, tín dụng tăng trưởng 15%, tức đưa vào nền kinh tế khoảng 2 triệu tỷ đồng. Nhưng nếu vĩ mô kinh tế tiếp tục ổn định, lạm phát kiểm soát tốt, có thể giữa và cuối năm sẽ mở thêm tín dụng; hy vọng kinh tế năm 2024 sẽ có khởi sắc, nhu cầu đầu tư của nền kinh tế sẽ tăng lên.
Theo ông Đào Minh Tú, muốn tăng tín dụng phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có lãi suất, hiện nay lãi suất ngân hàng đang rất thấp, thấp nhất trong khoảng 20 năm qua. Cả về cơ chế, định hướng, lãi suất, điều kiện vay của doanh nghiệp, Phó Thống đốc Đào Minh Tú hy vọng năm 2023, tăng trưởng tín dụng sẽ khởi sắc hơn. Tổ chức tín dụng bảo đảm tốt các điều kiện sẽ được cấp thêm hạn mức tín dụng.
Tại họp báo, cho biết về kết quả đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an nhấn mạnh, Bộ Công an đấu tranh với tội phạm trên tinh thần “làm một vụ cảnh tỉnh cả vùng”. Ví dụ vụ FLC là điển hình cho hành vi phạm tội thao túng chứng khoán; vụ Tân Hoàng Minh là điển hình cho sai phạm về trái phiếu doanh nghiệp; vụ ngân hàng SCB cho lĩnh vực ngân hàng; vụ án Xuyên Việt Oil trong lĩnh vực xăng dầu… “Qua các vụ án, cảnh báo đó để răn đe, cảnh tỉnh các đối tượng, lĩnh vực. Sau sự vụ thì thị trường chứng khoán, trái phiếu đã tốt lên”, Trung tướng Tô Ân Xô nêu. Ông cũng cho biết, Bộ Công an công khai, minh bạch kết quả điều tra các vụ án.
Trước đó, báo cáo tại hội nghị ngày 5-1 của Chính phủ cho thấy, triển khai quyết liệt chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; qua thanh tra đã phát hiện, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước tăng 7,6%, chuyển cơ quan điều tra tăng 12,5% số vụ so với năm 2022. Các cơ quan điều tra của Bộ Công an đã thụ lý điều tra trên 1.100 vụ án với gần 3.000 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó có những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.