
Ở TPHCM, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập QĐND VN – Ngày hội Quốc phòng toàn dân, những người đã từng công tác ở Tổng cục Chính trị QĐND VN lại về gặp nhau ở số 8 Nguyễn Bỉnh Khiêm, cơ quan thường trực của Tổng cục ở các tỉnh phía Nam.
Mỗi lần gặp mặt như thế, mọi người đều không quên những tháng ngày công tác ở cơ quan “Tổng hành dinh” của công tác Đảng, công tác chính trị, nơi họ đã cống hiến tài năng, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng quân đội, góp phần tạo nên bản chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”.
Một trong những người được mọi người nhắc đến nhiều nhất là Trung tướng Nguyễn Văn Thái, Trưởng ban Liên lạc, nguyên Phó Chính ủy Sư đoàn 7 – Binh đoàn Cửu Long, nguyên Cục trưởng Cục Tuyên huấn – Tổng cục Chính trị, nguyên Phó Giám đốc Học viện Lục quân.
Ngày chia tay và ngày trở lại

Trung tướng Nguyễn Văn Thái (bên trái) và Trung tướng Lê Nam Phong, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7 Quân đoàn 4.
Ngày 20-11-1945, sau 3 tháng nước nhà độc lập, anh thanh niên Nguyễn Văn Thái mới 16 tuổi, đã xung phong vào quân đội, làm thư ký cho lãnh đạo, sau đó làm Trưởng ban Văn thư rồi làm Chính trị viên Đại đội mang tên Lê Lợi thuộc Tỉnh đội Thái Bình.
Suốt 6 năm chiến đấu ở chiến trường đồng bằng duyên hải Bắc bộ, Chính trị viên Nguyễn Văn Thái được cử đi học Trường bổ túc Chính trị viên Liên khu Ba, sau đó về nhận nhiệm vụ ở Cơ quan Chính trị Quân khu Tây Bắc rồi làm Bí thư cho Phó Chính ủy Quân khu.
Năm 1956, ông được điều về công tác ở Tổng cục Chính trị, nơi phát huy được năng lực chính trị của một sĩ quan trẻ tuổi. Tháng 7-1965, khi quân Mỹ nhảy vào miền Nam và chiến tranh phá hoại của Mỹ lan rộng ra miền Bắc, ông hành quân trong đội hình Sư đoàn 325C vào Nam đánh giặc, để lại hậu phương 3 cháu nhỏ và người vợ trẻ đang công tác trong quân ngũ.
Dọc đường hành quân, từ Thanh Hóa đến Tà Cơn, Khe Sanh, Kon Tum, Đức Lập, Buôn Ma Thuột, Bình Long, sư đoàn ông cứ “đánh giặc mà đi, mở đường mà tiến”, gian khổ, ác liệt khôn cùng. Song, chính từ chiến trường gian khổ đã rèn luyện cho ông và đồng đội trưởng thành. Với những chức vụ được giao: Chính ủy Trung đoàn 3 - Sư đoàn 325, Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 9, Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 7 (1972), Phó Chính ủy Sư đoàn 7, ông đã cùng đồng đội đi từ Chiến dịch Mậu Thân 1968, Chiến dịch đường 13 (năm 1972), Chiến dịch giải phóng Phước Long (từ tháng 12-1974 đến tháng 1-1975) rồi tiến về Sài Gòn trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 lịch sử.
Một kỷ niệm không bao giờ quên đối với Trung tướng Nguyễn Văn Thái là cuộc họp báo ở Dinh Độc Lập chiều 2-5-1975. Trong bộ phim nhiều tập về cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta, mùa xuân năm 1975 còn lưu lại một hình ảnh quý, gắn liền với cuộc đời binh nghiệp vinh quang của Trung tướng Nguyễn Văn Thái. Đó là đoạn phim quay toàn cảnh cuộc họp báo ở Dinh Độc Lập chiều 2-5-1975 khi Ủy ban Quân quản TP Sài Gòn – Gia Định công bố quyết định trả tự do cho Tổng thống Ngụy quyền Dương Văn Minh và toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn. Gần 100 nhà báo quay phim, chụp ảnh về khoảnh khắc có một không hai của lịch sử chiến tranh Việt Nam này. Ngày đó, ông Nguyễn Văn Thái đang là Phó Chính ủy Sư đoàn 7 – Quân đoàn 4, một sư đoàn được giao nhiệm vụ quân quản Dinh Độc Lập và Đài Phát thanh, Đài Truyền hình Sài Gòn...
Ngày rời Cục Tuyên huấn đi chiến trường với cấp hàm Đại úy – Hiệp lý viên, sau 18 năm, khi trở lại cục trên cương vị Đại tá – Phó Cục trưởng, sau đó là Thiếu tướng - Cục trưởng, ông thực sự là người “đi năm, về mười”, sống có trách nhiệm với công việc, chan hòa, tình nghĩa với anh em.
Tượng đài chiến thắng trên vùng đất lửa Tàu O - Xóm Ruộng
Trong ký ức chiến tranh, Trung tướng Nguyễn Văn Thái kể lại, kỷ niệm máu lửa nhất vẫn là 150 ngày chốt chặn trên vùng đất lửa Tàu Ô – Xóm Ruộng tại chiến dịch Xuân-Hè 1972. Ngày đó, sau khi đánh tiêu diệt Chiến đoàn 52 của quân ngụy Sài Gòn, cả Sư đoàn 7 về chốt chặn trên đường 13, nối Bình Long về Sài Gòn. Hàng trăm lần địch tổ chức phản công, có pháo dọn đường, bom B52 rải thảm nhưng “chốt thép đường 13” vẫn gan góc chặn đứng quân địch. Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7 đã đánh phản công, đánh giáp la cà, luồn sau lưng địch để đánh và đã đánh thắng kẻ thù trong suốt 5 tháng ròng rã. Thắng lợi rất to lớn nhưng đã có gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ hy sinh.
Những ngày giữa năm 2008, Trung tướng Lê Nam Phong, Trung tướng Nguyễn Văn Thái, Trung tướng Đào Văn Lợi cùng một số cựu chiến binh đã đến làm việc với lãnh đạo các tỉnh: Bình Dương, Bình Phước và một số doanh nghiệp để xin đất, quyên góp tài trợ, chuẩn bị xây dựng một khu lưu niệm và tượng đài chiến thắng ngang tầm với chiến công trên vùng đất anh hùng Tàu Ô – Xóm Ruộng.
Rồi đây, Tàu Ô – Xóm Ruộng trên quốc lộ 13 sẽ là điểm du lịch “về nguồn” mang tầm vóc quốc gia để quý khách xa, gần và các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7 – Quân đoàn 4 nhớ về chiến công xưa, nhớ về những đồng đội anh hùng. Đó là tấm lòng của những người đang sống với đồng đội đã nằm xuống vì độc lập tự do của đất nước vì hạnh phúc của nhân dân, trong đó có Trung tướng Nguyễn Văn Thái, người lính bộ đội Cụ Hồ sống có nghĩa, có tình với dân, với nước.
Khánh Toàn