Ngày 21-7, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Trung tướng Nguyễn Bình, nhà quân sự tài năng, đức độ”, kỷ niệm 115 năm Ngày sinh Trung tướng Nguyễn Bình (30-7-1908 – 30-7-2023).
Các đồng chí: Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM; Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM, đồng chủ trì hội thảo.
Là người “biết rõ miền Nam”
Từ gợi ý của Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phạm Đức Hải, các đại biểu đã tập trung làm rõ những vấn đề chung về cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương đạo đức cách mạng, tài năng, bản lĩnh của đồng chí Nguyễn Bình - vị Trung tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cùng với đó, cùng thảo luận, tìm hiểu những đóng góp của Trung tướng Nguyễn Bình tại chiến trường miền Nam và Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong kháng chiến chống thực dân Pháp.
Quang cảnh hội thảo |
Chia sẻ về dấu ấn của Trung tướng Nguyễn Bình trong quá trình hình thành và hoạt động của lực lượng vũ trang TPHCM, đồng chí Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, là người “biết rõ miền Nam” nhất là trải qua những năm tháng bươn chải sinh sống ở Sài Gòn, với kinh nghiệm trong nhiều năm hoạt động ở nhiều chiến trường khác nhau, với tài năng và ý chí của một thủ lĩnh, ngay từ khi đến làm nhiệm vụ ở Nam bộ, Nguyễn Bình đã quan tâm đặc biệt đến vai trò vị trí của đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn và vùng ven thành phố. Nhất là từ tháng 12-1945, khi đồng chí trực tiếp làm Khu bộ trưởng Khu 7.
Ngay từ những ngày đầu Nam bộ kháng chiến sau Cách mạng Tháng Tám 1945, lực lượng vũ trang Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã được hình thành và không ngừng được củng cố, phát triển cả về tổ chức chỉ huy, xây dựng lực lượng, phương thức hoạt động, tác chiến. Từ đó đã lập được nhiều chiến công vang dội, góp phần xây dựng truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng. Quá trình đó mang dấu ấn rõ nét về tầm nhìn chiến lược, công lao to lớn của người chỉ huy tài năng Nguyễn Bình.
“Sự trưởng thành của lực lượng vũ trang Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp của Nguyễn Bình. Từ nơi đây, đồng chí Nguyễn Bình đã từ một người yêu nước trở thành một người cộng sản với cốt cách, bản lĩnh và tài năng đặc biệt”, đồng chí Phan Xuân Biên nhấn mạnh.
Trải qua những năm tháng sống chết với quân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, với “Nam bộ thành đồng”, Nguyễn Bình đã trở thành một vị tướng có quân hàm cao thứ hai trong 11 vị tướng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nhìn nhận về vai trò của Trung tướng Nguyễn Bình đối với lực lượng vũ trang miền Nam và Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, Thiếu tướng Phan Văn Xựng, Chính ủy Bộ Tư lệnh TPHCM cho biết, bằng tư duy chính trị sắc sảo, nhạy bén, sáng tạo và khí chất, tinh thần dũng cảm, Trung tướng Nguyễn Bình đã có nhiều đóng góp lớn cùng toàn Đảng, toàn dân vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, góp phần làm nền tảng đưa sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi cuối cùng.
Đồng chí Phan Xuân Biên, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tham luận tại hội thảo |
“Những cống hiến, những quyết sách của Trung tướng trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp trên chiến trường miền Nam nói chung và Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nói riêng vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn, để lại những bài học kinh nghiệm quý báu về công tác tổ chức, thống nhất lực lượng, bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối về mọi mặt của Đảng đối với các lực lượng vũ trang”, Thiếu tướng Phan Văn Xựng chia sẻ.
Huy động được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến
Đồng thuận với những nhận định của các đại biểu tham luận tại hội thảo, PGS.TS Trần Thị Mai (Trường ĐH KHXH-NV, ĐHQG TPHCM) bổ sung, 6 năm gắn bó với chiến trường Nam bộ trong cuộc chiến trường chinh kháng Pháp, Trung tướng Nguyễn Bình đã đóng góp to lớn trên nhiều lĩnh vực. Đó là thống nhất các lực lượng vũ trang kháng Pháp; thành lập trường quân chính đào tạo đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” đáp ứng yêu cầu chỉ huy cho hệ thống quân đội miền Đông Nam bộ; xây dựng và phát triển hệ thống căn cứ địa đảm bảo lực lượng và hậu cần cho kháng chiến.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê phát biểu tổng kết và bế mạc hội thảo |
Nhấn mạnh đến những bài học quý giá được rút ra từ cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương đạo đức cách mạng của Trung tướng Nguyễn Bình, Phó Trưởng ban Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Trần Xuân Điền cho biết, nhắc đến Trung tướng, nhiều người nghĩ ngay về một vị tướng đặc biệt. Ở ông toát lên những phẩm chất của các vị tướng bản lĩnh, can trường, có tầm nhìn xa, trông rộng cùng cốt cách của bậc trượng phu, quân tử, nghĩa hiệp, khí phách. Trung tướng Nguyễn Bình đã huy động và phát động được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp. Ở đó, Trung tướng đã sử dụng tài đức của mình, kể cả tác phong anh hùng mã thượng để thu phục các nhóm cộm cán khi đó. Thậm chí, ông còn thu phục được cả giới trí thức tham gia kháng chiến.
“Ông đã tìm được tiếng nói phù hợp với từng giới nhân dân, như với giới tư sản Sài Gòn, ông đề cập đến tinh thần quốc gia; với nông dân, ông nói về chia ruộng đất của các đại điền chủ cho dân nghèo; với thanh niên, ông kêu gọi tinh thần yêu nước, dũng cảm vì nước quên mình…”, đồng chí Trần Xuân Điền dẫn chứng.
Phát biểu tổng kết và bế mạc hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, hội thảo đã nhận được 67 bài tham luận. Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã tập trung đánh giá sâu sắc, toàn diện về cuộc đời, sự nghiệp, những đóng góp to lớn, cũng như những phẩm chất cách mạng cao đẹp của Trung tướng Nguyễn Bình. Trong đó, các đại biểu đã làm rõ thêm những đóng góp của Trung tướng Nguyễn Bình trong tổ chức và chỉ huy chiến đấu, xây dựng các cơ sở cách mạng, hình thành thế trận vững chắc tại Hải Phòng, chiến khu Đông Triều, Duyên Hải - Bắc bộ… trước năm 1945. Cùng với đó, những cống hiến và đóng góp của đồng chí tại chiến trường Nam bộ, Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 - 1951) đã góp phần tạo ra thế và lực mới cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân miền Nam từng bước đi đến thắng lợi vững chắc.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo TPHCM trao đổi trước khi hội thảo diễn ra |
Cũng theo đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê, nhiều tài liệu tại hội thảo đã góp phần làm rõ cuộc đời và sự nghiệp của Trung tướng Nguyễn Bình là tấm gương sáng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân TPHCM và các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam học tập và noi theo. Đó là tấm gương về sự kiên trung với sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân của Đảng; là tấm gương về lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đánh giá và sử dụng cán bộ. Đó còn là tấm gương về sự gắn bó mật thiết với nhân dân, phát huy được sức mạnh của các tầng lớp nhân dân; là tấm gương về sự can đảm, sẵn sàng xông pha, đương đầu vào nơi nguy hiểm và những thời điểm khó khăn nhất.
Đồng chí Phan Nguyễn Như Khuê khẳng định, các tham luận được các tác giả thể hiện đầy tâm huyết và trách nhiệm, giúp mỗi người có dịp suy ngẫm, soi rọi và liên hệ với trách nhiệm của cá nhân mình, cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Qua đó, góp phần bồi dưỡng nhận thức, củng cố vững chắc niềm tin, tiếp tục thực hiện lý tưởng cách mạng mà toàn Đảng, toàn dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị lãnh tụ của Đảng đã dày công xây dựng, bảo vệ, phát triển, trao truyền lại cho chúng ta và các thế hệ mai sau.
Trung tướng Nguyễn Bình hy sinh ngày 29-9-1951 tại Campuchia. Năm 2000, Đoàn công tác Bộ Quốc phòng đã tìm thấy và đưa hài cốt Trung tướng Nguyễn Bình về nước và mai táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ TPHCM.
Đồng chí Nguyễn Bình được Nhà nước truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh và danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trong Quyết định tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Nhất cho Trung tướng Nguyễn Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh ghi rõ những đóng góp của đồng chí đối với công cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, đối với cuộc kháng chiến.
Riêng với những đóng góp của đồng chí Nguyễn Bình đối với Nam bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Đã góp phần lớn vào việc chỉnh đốn, xây dựng Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam bộ và củng cố Mặt trận dân tộc thống nhất Nam bộ”.