Trung tướng Lưu Phước Lượng và nhà thơ Trần Thế Tuyển cùng ra mắt sách

Chiều 7-12, nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12-1944 - 22-12-2024), Trung tướng Lưu Phước Lượng và nhà thơ Trần Thế Tuyển đã cùng tổ chức ra mắt sách. Không hẹn mà gặp, mỗi người đều có hai ấn phẩm được ra mắt trong dịp này.

Trung tướng Lưu Phước Lượng mang đến hồi ức Dấu ấn cuộc đời (NXB Quân đội nhân dân). Hồi ức không chỉ về bản thân mà còn về đất nước, về dân tộc thông qua cuộc đời của một người lính trên chiến trường. Qua đó, nhìn nhận cuộc chiến bằng góc nhìn cận cảnh.

“Toàn bộ Dấu ấn cuộc đời là câu chuyện thời gian từ lúc tôi còn nhỏ, đi chiến đấu, trưởng thành và trở về. Trong chuỗi thời gian dài như vậy có rất nhiều dấu ấn không thể nào quên. Được sự động viên của bạn bè, tôi đã viết nên cuốn sách này”, Trung tướng Lưu Phước Lượng chia sẻ.

IMG_5074.jpg
Nhà thơ Trần Thế Tuyển và Trung tướng Lưu Phước Lượng tại chương trình (từ phải qua)

Còn Luận bàn và suy ngẫm (NXB Quân đội nhân dân) là những suy tư, trăn trở mà Trung tướng Lưu Phước Lượng luôn đau đáu trong lòng. Sách gồm các bài viết, phát biểu của ông ở nhiều giai đoạn khác nhau, khi đang ở các cương vị công tác khác nhau trong quân đội, mang tính khoa học và chính luận rõ nét.

Trong hành trình cầm bút của mình, nhà văn Trần Thế Tuyển liên tục có tác phẩm gửi đến bạn đọc. Tập thơ Trăng lạnh (NXB Hội Nhà văn) và trường ca Linh khí quốc gia (NXB Hội Nhà văn) lần lượt là tác phẩm thứ 19 và 20 trong gia tài văn nghiệp của ông. Tập thơ Trăng lạnh được chia thành 3 chương: Trăng lạnh, Có một vầng trăngKỷ vật, với 61 bài thơ có sự đa dạng về đề tài lẫn bút pháp.

Còn trường ca Linh khí quốc gia mang nặng tâm tư của tác giả Trần Thế Tuyển đối với các liệt sĩ, đặc biệt là trăn trở về một ngày "quốc giỗ" cho những người đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc. Chia sẻ về tên của trường ca, nhà thơ Trần Thế Tuyển cho biết: “Một hôm tôi cùng hai đồng nghiệp trở lại Long Khốt (xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) và chúng tôi đều khóc trước dòng sông. Dòng sông nhỏ mà có tới hàng trăm liệt sĩ của Trung đoàn 174 đã nằm lại. Tự nhiên trong đầu tôi lóe lên hai câu thơ: “Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc/ Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia. Tên trường ca Linh khí quốc gia chính là được đặt tên theo câu thơ đó”.

Đọc trường ca Linh khí quốc gia, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn chia sẻ: “Trường ca Linh khí quốc gia của Trần Thế Tuyển không mưu cầu những thi tứ bay bổng và những vần điệu du dương. Những câu thảng thốt giúp trường ca Linh khí quốc gia nén chặt để nhắc nhớ những hương hồn vô danh, để ghi tạc những oan khiên dâng hiến, để truy điệu những sứ mệnh cao cả. Hơi thơ gấp gáp và mạch thơ chuyển động suốt trường ca Linh khí quốc gia chính là bài ca giữ nước thiêng liêng cho hôm nay và mai sau để lại: “… như cánh buồm/ Căng gió chở tương lai và quá khứ/ Để cốt cách Việt chói ngời lịch sử”".

Tin cùng chuyên mục