Tôi không bao giờ quên buổi đầu tiên được gặp một trong những vị tướng huyền thoại của con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh - đường Trường Sơn. Đó là một buổi sáng mùa thu Hà Nội khi gió heo may bắt đầu xuất hiện và lá vàng bay lả tả dọc đường Nguyễn Du. Đó cũng là những ngày đầu tiên Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo SGGP khởi động.
Nhà báo Nguyễn Đức, Phó Ban thường trực Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, nói với tôi: “Để hoàn thành mục tiêu của chương trình, phải gặp những cựu chiến binh và cựu thanh niên xung phong Trường Sơn. Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh và Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn, là những nhân vật tiêu biểu của đường Hồ Chí Minh huyền thoại”.
Nghe chúng tôi báo cáo ý tưởng Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vui lắm. Ông nói trong sự xúc động: “Báo SGGP làm một việc thật nhân văn, ý nghĩa. Phải khơi gợi lại ngọn lửa thể hiện ý chí của toàn dân tộc từ Trường Sơn. Phải chăm lo cho những người đã từng hy sinh, cống hiến cho Trường Sơn. Đó cũng là cách thiết thực nhất thể hiện sự tri ân với những người đã hy sinh trên tuyến đường chiến lược mang tên Bác”.
Trước khi ra về, vị tướng huyền thoại của quân đội ta nói chung và của Trường Sơn nói riêng, dặn chúng tôi: “Xây đền, đài tưởng nhớ, tri ân liệt sĩ là điều nên làm, phải làm. Nhưng đừng quên chăm lo đời sống của đồng bào dọc đường Trường Sơn và các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong cùng con cháu của họ đang gặp khó khăn, thiếu thốn”.
Nghe theo lời dặn dò của vị tướng nguyên Tư lệnh của bộ đội Trường Sơn, Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn của Báo SGGP đã kết hợp cùng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam và Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh (TTTS- ĐHCM) triển khai cùng lúc các mục tiêu của chương trình; vừa chăm lo người đang sống vừa tri ân người đã hy sinh vì tổ quốc.
Năm 2011, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ nhất Hội TTTS - ĐHCM (nhiệm kỳ 2011-2016) tổ chức trọng thể tại Hà Nội. Gặp chúng tôi, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên không quên “kiểm tra” xem công việc nghĩa tình Trường Sơn đã thực hiện đến đâu.
Thay mặt Ban Biên tập Báo SGGP và Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn, tôi báo cáo với Trung tướng những công việc đã làm và mục tiêu giai đoạn 2 của Chương trình.
Nghe xong, vị tướng cao niên rất vui. Ông nói: “Được lắm. Xây dựng lại toàn bộ nhà cửa và hạ tầng cho bà con dân tộc Vân Kiều ở bản Làng Ho (Quảng Bình) là một trong những việc ưu tiên làm trước. Bà con Làng Ho cũng như bà con các dân tộc dọc đường Trường Sơn có nhiều đóng góp cho cách mạng suốt mấy cuộc kháng chiến. Hiện tại còn nhiều khó khăn, thiếu thốn lắm”.
Đặc biệt khi nghe chúng tôi báo cáo đang phối hợp với bộ đội biên phòng xây dựng gần 20 bệnh xá quân dân y kết hợp ở vùng cao, vùng sâu trên đỉnh Trường Sơn tặng bà con vùng căn cứ kháng chiến xưa, Tướng Nguyên như trẻ ra. Ông cười hào sảng: “Hay lắm, được lắm!”.
Cũng vì lẽ đó, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đề nghị Ban tổ chức Đại hội lần thứ nhất Hội TTTS - ĐHCM Việt Nam mời một số người có đóng góp cho Trường Sơn qua các thời kỳ làm ủy viên danh dự BCH TƯ hội, trong đó có Tổng Biên tập báo SGGP- Trưởng ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn.
Đó là câu chuyện của 10 năm về trước, khi cả nước ta kỷ niệm 50 năm mở đường Trường Sơn. Suốt một thập niên ấy, tuy tuổi cao, sức yếu, nhưng mỗi lần gặp chúng tôi, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên vẫn hỏi về Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn.
Lần gặp cuối cùng trước lúc vị tướng huyền thoại của đường Trường Sơn đi xa, khi nghe chúng tôi báo cáo đang triển khai xây dựng ngôi đền liệt sỹ tại trọng điểm ATP (cua chữ A - ngầm Ta Lê - đèo Phu La Nhích), ông như khỏe ra, đôi mắt ngấn lệ.
Bây giờ, chuẩn bị kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn, vị tướng huyền thoại của con đường mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi về với Tổ tiên, Bác Hồ và các liệt sỹ Trường Sơn. Kính cẩn nghiêng mình tưởng nhớ Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn.
Để ghi nhận công lao, sự đóng góp to lớn của vị tướng huyền thoại này với đất nước, quân đội, đặc biệt với đường Trường Sơn, nên chăng đặt tên ông cho những công trình trọng điểm trên đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh, nơi cả đời ông đã hy sinh và cống hiến!
TP Hồ Chí Minh, 9-4-2019