Giải quyết khó khăn “khát vốn”
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM, cho biết, Nghị quyết 31-NQ/TW ban hành ngày 30-12-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã đưa ra nhiều giải pháp, chiến lược đột phá, trong đó có ban hành chính sách thúc đẩy hình thành và phát triển TTTCQT TPHCM. Cho đến nay, đề án TTTCQT TPHCM đã cơ bản hoàn thành các nội dung, lãnh đạo TPHCM đã thông qua và đang trình lên trung ương xem xét. Theo đó, có 3 trụ cột cốt lõi cần xây dựng và hoàn thiện là: thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng; thị trường vốn; thị trường hàng hóa phái sinh.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, thành phố đã trải qua 2 làn sóng đầu tư. Ở làn sóng thứ nhất, TPHCM thành công trong việc thu hút nhiều DN thuộc đa lĩnh vực và hình thành nhiều KCX-KCN. Sang làn sóng đầu tư thứ hai, TPHCM đã chọn lọc hơn, theo hướng nâng cao chất lượng dòng vốn DN. Điển hình là xây dựng thành công Khu công nghệ cao, thu hút nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài công nghệ cao sản xuất sản phẩm đầu cuối như Samsung, Intel, Nidec Sankyo... Những DN sản xuất đầu đàn này đã tạo cơ sở để dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu đến Việt Nam. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện nay, quy mô nền kinh tế tăng lên, nhu cầu vốn của DN, tổ chức nhằm mở rộng quy mô đầu tư, phát triển cũng tăng theo. Trong khi đó, nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng chỉ đáp ứng cho nhu cầu vay vốn nhỏ, ngắn hạn; đối với những dự án đầu tư có quy mô lớn, tạo sức bật cho nền kinh tế (như đầu tư siêu cảng, phát triển bền vững, hạ tầng giao thông, logistics…), đòi hỏi nguồn lực vốn mạnh và dài hơi hơn thì không đáp ứng được. Điều này đã buộc TPHCM phải “thay chiếc áo cũ đã chật bằng một chiếc áo mới”, hay đúng hơn là thành phố cần thiết tạo ra làn sóng thu hút đầu tư thứ 3, hình thành thị trường vốn từ TTTCQT TPHCM.
Đồng quan điểm, đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM cho biết, để đầu tư nhà máy xử lý đốt rác phát điện có công suất trên 1.000 tấn rác/ngày cần khoảng 3.000 tỷ đồng, tùy theo công nghệ sử dụng. Vậy với quy mô phát sinh khoảng 10.000 tấn rác/ngày, thì số vốn cần là rất lớn. Tương tự, ông Trần Ngọc Thạch, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn, cho biết, siêu cảng Cần Giờ được định hướng đầu tư với công suất thiết kế 15 triệu TEUs, hiện đang lập đề án nghiên cứu tiền khả thi, tổng mức đầu tư khoảng 5 tỷ USD. Dự án này cần vốn vay dài hạn trong thời gian từ 15-17 năm. Do vậy, việc sớm hình thành và đi vào hoạt động TTTCQT TPHCM sẽ là nền tảng để thu hút các định chế tài chính, nhà đầu tư, tập đoàn tài chính nhằm tạo cú hích mạnh cho các ngành cùng phát triển.
Cần hành lang pháp lý
Nói rõ thêm về TTTCQT TPHCM, ông Nguyễn Ngọc Hòa thông tin, thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng đã có sẵn. Thị trường vốn chỉ mới sơ khai, hình thành ở dạng trái phiếu ở một số lĩnh vực nhất định, trong đó chủ yếu là ngành bất động sản. Riêng với thị trường hàng hóa phái sinh thì hoàn toàn chưa có, thậm chí sàn giao dịch điện tử hàng hóa sơ cấp nhất cũng chưa hình thành. Do đó, trong thời gian tới, rất cần sự vào cuộc của cơ quan trung ương trong việc xây dựng hành lang pháp lý và thể chế hoàn chỉnh, đồng bộ, bao quát được các lĩnh vực mà dòng chảy tài chính sẽ hướng đến. Hành lang pháp lý này phải tiệm cận các TTTC khác đã có trong khu vực và trên thế giới. Tiếp đó, cần chọn năng lực cạnh tranh lõi cho TTTC này, đi kèm đó là cơ chế pháp lý đặc thù để hấp dẫn nhà đầu tư tham gia thị trường. Cuối cùng là cần có chính sách đầu tư đồng bộ hạ tầng nhằm tạo môi trường làm việc, sinh sống, giải trí thuận lợi cho các nhà đầu tư, chuyên gia tài chính cũng như gia đình họ.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) là nơi TPHCM dự kiến đặt trung tâm tài chính quốc tế. Ảnh: HOÀNG HÙNG |
Ở góc độ chuyên gia kinh tế, tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền khẳng định, hành lang pháp lý phải tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tham gia vào thị trường. Môi trường kinh doanh tại Việt Nam phải tạo ra nhiều cơ hội sinh lời cho nhà đầu tư, như đa dạng hệ sinh thái khởi nghiệp, sáng tạo; DN đầu tư có tiềm năng mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị phần trong nước và xuất khẩu; DN có tiềm năng tham gia đầu tư lĩnh vực hạ tầng… Và cuối cùng là củng cố niềm tin cho nhà đầu tư, trong đó phải minh bạch pháp lý, thông tin, có đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, uy tín.
Tiến sĩ Đinh Thế Hiển đặt vấn đề, cần xác định TTTCQT của quốc gia đặt tại TPHCM chứ không phải TTTC của TPHCM. Vai trò TTTCQT mang tính đầu mối, kết nối, đầy đủ hành lang pháp lý, định chế tài chính cũng như điều kiện kỹ thuật để phát huy được vai trò trụ cột lõi của TTTCQT. Hiện nay, nguồn vốn cho nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào ngân hàng thương mại, trong khi nguồn vốn tín dụng dành cho vốn vay lưu động và người dân đã quá tải. Do đó, cần có TTTCQT để thu hút nguồn vốn từ thị trường quốc tế. Việc thu hút vốn này sẽ do các định chế tài chính, quỹ đầu tư, quỹ tương hỗ, quỹ mua bán nợ, quỹ đầu tư hạ tầng… đứng ra huy động vốn. Để hình thành TTTCQT thì TPHCM cần có “cú hích” về cơ chế. Cụ thể là mạnh dạn giao quyền đặc biệt cho Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM để cơ quan này chủ trì hoặc liên kết đưa ra những cơ chế thí điểm thì đề án mới thực hiện được.
Cần sự phối hợp chặt chẽ từ các cơ quan chức năng
Ghi nhận những trăn trở, đóng góp từ phía DN, chuyên gia kinh tế, ông Phạm Văn Trường, Phó Tổng Biên tập Báo SGGP, nhấn mạnh, để xây dựng được TTTCQT đặt tại TPHCM thì cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, cũng như các điều kiện cần và đủ khác cho thị trường. Điều này đòi hỏi có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng. Thông qua buổi tọa đàm, Báo SGGP sẽ chuyển tải toàn bộ ý kiến đóng góp hữu ích của các đại biểu đến các cơ quan chức năng tại TPHCM cũng như Trung ương, để có những giải pháp hiệu quả thúc đẩy hình thành TTTCQT TPHCM.
TTTCQT đóng vai trò quan trọng trong vận tải biển quốc tế
Ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thiết kế Cảng kỹ thuật biển, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Logistics TPHCM, cho biết, việc hình thành TTTCQT tại TPHCM đóng vai trò quan trọng trong vận tải biển quốc tế, nhất là trong bối cảnh TPHCM đang đề xuất xây dựng siêu cảng Cần Giờ với tổng vốn đầu tư dự kiến là 5 tỷ USD. Cảng quốc tế không chỉ giúp cho sự phát triển của quốc gia, khu vực, mà đây còn là nơi tập trung gom hàng - phân phối hàng cho các quốc gia khác trên thế giới, kéo theo các công ty tài chính, hoạt động vốn cho chủ tàu, chủ hàng… cùng phát triển vượt bậc. Hệ thống cảng biển Cần Giờ có rất nhiều lợi thế, có tuyến vận tải đặc biệt nằm trên tuyến vận tải quốc tế Á - Âu. Thế mạnh của cảng biển đã có, tuy vậy từ nhiều năm qua, hoạt động cảng biển của Việt Nam chưa hiệu quả, mới chỉ dừng lại ở việc trung chuyển, bốc xếp hàng hóa tại khu vực cửa ngõ qua tuyến đường thủy nội địa…
Có chính sách về thuế để thu hút các định chế tài chính
Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng Giám đốc HDBank, bày tỏ mong muốn TTTCQT tại TPHCM được thành lập càng sớm càng tốt. Về cơ bản, sẽ có 5 yếu tố để hình thành một TTTCQT. Đầu tiên, đó là nơi trung chuyển tài chính, tức là phải hai chiều. Làm sao để các DN, định chế tài chính quốc tế muốn huy động vốn là nghĩ ngay đến TPHCM. Thứ 2 là nguồn nhân lực, nhưng thực tế phải nhìn nhận, nguồn nhân lực tài chính của Việt Nam còn hạn chế. Thứ 3 là cơ sở hạ tầng. Ngoài cảng biển, hàng không, tòa nhà còn cần phải có công nghệ thông tin và viễn thông. Thứ 4 là cơ chế chính sách và hành lang pháp lý. Đặc biệt, Việt Nam phải có các chính sách về thuế để có thể thu hút các DN, định chế tài chính quốc tế tham gia. Thứ 5, cần phải nâng tầm sàn chứng khoán TPHCM đủ để thu hút nhiều DN nước ngoài niêm yết, thay vì chỉ có DN Việt Nam như hiện nay.