Sân bay Long Thành bám sát tiến độ
Dự án Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành (tỉnh Đồng Nai) là công trình, dự án hạ tầng giao thông lớn nhất từ trước đến nay của ngành giao thông, được kỳ vọng sau khi hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ đóng góp tăng trưởng GDP 3%-5%, phát triển mạnh các đường bay, đưa kinh tế nước ta phát triển.
Với tầm quan trọng đặc biệt, dù dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng việc thực hiện dự án vẫn bám sát tiến độ. Theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV - chủ đầu tư), dự kiến hoàn thành thi công 8.668km tường rào trong tháng 9-2021. Việc khoan khảo sát phục vụ công tác lập thiết kế nhà ga hành khách hoàn thành khoảng 73% khối lượng. Hiện liên danh tư vấn đã bắt đầu thực hiện công tác thiết kế kỹ thuật và dự toán nhà ga hành khách...
Mới đây, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các đơn vị liên quan sớm triển khai dự án thành phần còn lại để đảm bảo đầu tư đồng bộ dự án. Bộ trưởng yêu cầu chủ đầu tư, ban quản lý dự án quyết liệt chỉ đạo nhà thầu thực hiện, đảm bảo tiến độ đúng kế hoạch, có giải pháp phù hợp, linh hoạt với diễn biến dịch bệnh và thời tiết.
Đại diện ACV đã khẳng định sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thành toàn bộ phần xây dựng trước 31-3-2025, đáp ứng yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ, hoàn thành, đưa vào khai thác Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 trong quý 4-2025.
Cảng biển đón được siêu tàu
Trước dịch, cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) thuộc khu cảng Cái Mép - Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã đón tàu vận tải CMA CGM Marco Polo. Đây là tàu do Hãng tàu CMA CGM vận hành và khai thác, có trọng tải 187.000 tấn, kết nối và vận chuyển trực tiếp hàng hóa xuất - nhập khẩu của Việt Nam với thị trường Bắc Âu. Với sự kiện đón tàu Marco Polo, cảng CMIT cũng đưa vào khai thác hàng tuần dịch vụ tiếp nhận các siêu tàu container.
Cảng nước sâu CMIT là một trong những cảng lớn nhất tại khu vực cảng cửa ngõ và Trung tâm trung chuyển Cái Mép - Thị Vải, được Bộ GTVT và Cục Hàng hải Việt Nam cho phép tiếp nhận tàu có trọng tải đến 194.000 tấn vào khai thác thường xuyên. Thành công này chứng tỏ khu cảng Cái Mép - Thị Vải có thể trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là hàng hóa xuất nhập khẩu tuyến thương mại châu Á và Bắc Âu.
Cách nay gần 20 năm, Đảng và Nhà nước đã quyết định di dời toàn bộ hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn ra ngoại thành và hình thành tại Cái Mép - Thị Vải một cụm cảng biển quốc tế lớn của cả nước và khu vực. Theo nhiều chuyên gia, đây là quyết định đúng đắn bởi đạt được nhiều mục tiêu, đó là giảm tải cho nội thành TPHCM, tận dụng được lợi thế luồng lạch sâu của Cái Mép - Thị Vải để hình thành nên cụm cảng biển nước sâu lớn, đón được các siêu tàu vốn là những loại tàu chuyên chở hàng khá thông dụng hiện tại.
Được đầu tư trên 84.000 tỷ đồng, cụm cảng Cái Mép - Thị Vải là một trong 21 cảng biển nước sâu lớn trên thế giới, có thể đón những siêu tàu thế hệ mới với tải trọng lên đến khoảng 200.000 tấn. Theo ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast), nơi đây còn quy tụ hầu hết các nhà đầu tư cảng biển lớn trên thế giới - là cơ sở quan trọng để kết nối cụm cảng biển này với các cảng biển lớn khác.
Cùng với cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, cụm cảng biển ở Cát Lái, TPHCM - nơi mà nhiều cảng biển trên sông Sài Gòn nằm trong nội ô thành phố di dời ra đây, cũng rất phát triển. Đặc biệt, Tân cảng Cái Lái trở thành cảng container lớn nhất nước với sản lượng hàng container tăng lên không ngừng, năm sau cao hơn năm trước khoảng 20%.
Gỡ nút thắt giao thông
Mặc dù đã có những bước đầu tư, phát triển mạnh mẽ nhưng điểm trừ ở đây là hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa cảng biển, sân bay với các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị… nhiều nơi vẫn chưa hoàn chỉnh. Nhiều dự án kết nối giao thông mới được lên kế hoạch đầu tư. Như để kết nối giao thông tới sân bay Long Thành, ACV đang hoàn thiện thủ tục phê duyệt đầu tư 2 tuyến đường kết nối đến sân bay Long Thành để UBND tỉnh Đồng Nai có cơ sở thực hiện giải phóng mặt bằng.
Còn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tập trung triển khai các dự án quan trọng như dự án đường 991B, cầu Phước An, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường Long Sơn - Cái Mép, Phước Hòa - Cái Mép và xúc tiến thủ tục để khởi động dự án xây dựng đường sắt nhằm kết nối hàng hóa từ cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải đến các tỉnh thành, khu vực một cách thuận lợi hơn.
Riêng ở TPHCM, cũng theo ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Portcoast, nhằm tạo thuận lợi cho các cảng biển hoạt động, cần đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng giao thông kết nối vào khu vực cảng/bến cảng đã được đầu tư. Trước mắt cần hoàn thành đoạn, tuyến đường bộ vào khu cảng Cát Lái, Hiệp Phước, tuyến luồng hàng hải qua cửa Soài Rạp, về lâu dài kết nối đường sắt vào các khu cảng. Có kế hoạch phát triển dịch vụ logistics hỗ trợ khai thác cảng biển, lưu ý quy hoạch trung tâm phân phối hàng hóa sau cảng.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM cho rằng, ngoài việc kết nối giao thông phải bố trí hợp lý nhiệm vụ các cảng biển trong vùng để phát huy được hiệu quả tổng hợp; tạo sự phát triển cân đối, đồng bộ giữa cảng biển và cơ sở hạ tầng liên quan.
Cụ thể, cảng biển Vũng Tàu - Cái Mép - Thị Vải sẽ tiếp nhận các tàu trên 50.000DWT và thực hiện chức năng trung chuyển quốc tế, giảm dần và chấm dứt sự lệ thuộc hàng hóa vào cảng trung chuyển nằm sâu trong khu đô thị; đảm bảo lưu thông hàng hóa khu vực kinh tế phía Đông lưu vực sông Đồng Nai và một phần hàng hóa toàn vùng phía Nam bằng tàu lớn trên 50.000DWT. Cảng biển TPHCM sẽ tiếp nhận các tàu dưới 50.000DWT nhằm đảm bảo lưu thông hàng hóa của khu vực kinh tế phía Tây lưu vực sông Đồng Nai.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, trong quá trình khai thác cảng biển, sân bay nếu thiếu hệ thống hạ tầng giao thông kết nối thì sẽ xảy ra tình trạng ùn ứ. Do vậy, giải quyết được bài toán kết nối giao thông thì mọi hoạt động sẽ thông suốt. Chính vì vậy, để xây dựng thành công trung tâm logistics, các địa phương trong vùng TPHCM cũng như Chính phủ, bộ ngành liên quan cần tập trung nguồn lực, ưu tiên đầu tư dứt điểm hệ thống hạ tầng kết nối vào cảng, sân bay.
Theo ông Hoàng Minh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch TPHCM, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, đồ án Quy hoạch vùng TPHCM tới năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017, xác định rõ vùng TPHCM có vị thế là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, là trung tâm giao thương quốc tế của khu vực và quốc gia; trung tâm văn hóa, tri thức sáng tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, công nghiệp công nghệ cao tầm khu vực; trung tâm du lịch, tài chính - thương mại và dịch vụ logistics tầm quốc tế. Trên tinh thần này, những năm qua Chính phủ, bộ ngành và các địa phương trong vùng đã tập trung đầu tư rất nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ mục tiêu phát triển vùng TPHCM là trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm logistics tầm quốc tế. Không chỉ sân bay, cảng biển mà động thái mới nhất chứng tỏ cho quyết tâm đó là Chính phủ đã giao Bộ GTVT khẩn trương đầu tư tuyến Vành đai 3 và 4 cho vùng TPHCM nhằm giải quyết bài toán giao thông liên vùng. Các dự án giao thông này, dự án giao thông đang triển khai ở vùng TPHCM và tỉnh thành khác trong vùng, khi hoàn thành sẽ cơ bản giải quyết được bài toán lưu thông hàng hóa thông suốt cho vùng. |