Trung tâm Hồi sức Covid-19 Trung ương Huế tại TPHCM chia làm 4 phân khu: bệnh nặng nguy kịch, bệnh nặng, thoát hồi sức, chuẩn bị ra viện. Đây cũng là tuyến cuối trong bậc thang điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TPHCM.
Theo GS.TS Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Trung tâm hiện có gần 400 y bác sĩ, trong đó lực lượng chủ lực là các y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế. Bên cạnh đó còn có Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Việt Nam - Cuba Đồng Hới, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam…
Tại đây, hệ thống máy thở, oxy, robot lẫn các thiết bị khác đã lắp đặt hoàn chỉnh và chạy thử, đáp ứng tốt nhu cầu điều trị. Đặc biệt là robot, do chính bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế trực tiếp nghiên cứu, sản xuất cũng được đưa vào phục vụ điều trị bệnh nhân Trung tâm Hồi sức Covid-19 Trung ương Huế tại TPHCM.
Giai đoạn đầu, trung tâm sẽ tiếp nhận bệnh nhân với số lượng phù hợp để đảm bảo các hệ thống máy thở, máy theo dõi sinh tồn hoạt động ổn định. Khi trung tâm hoạt động thông suốt thì sẽ tiếp nhận lượng bệnh nhân nặng rất lớn. Các phác đồ điều trị được làm theo đúng chỉ dẫn của Bộ Y tế.
Cũng theo GS.TS Phạm Như Hiệp, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại TPHCM với số lượng ca nhiễm tăng nhanh, trong đó có nhiều ca nặng nên Bộ Y tế đã khẩn trương điều các bệnh viện hạng đặc biệt tuyến Trung ương thiết lập khẩn cấp 3 Trung tâm Hồi sức tích cực tại TPHCM.
Trong đó, Bệnh viện Trung ương Huế được giao thành lập trung tâm hồi sức tích cực có quy mô 500 giường bệnh. Ban Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế đã họp bàn kỹ lưỡng trước khi thiết kế trung tâm, cũng như lên các phương án nhằm đảm bảo trung tâm hoạt động một cách hiệu quả nhất.