Phóng viên Báo SGGP đã đến khu vực trung tâm hành chính huyện Nam Trà My ghi nhận thực tế. Các ngọn đồi quanh các trụ sở của huyện đã có hiện tượng tụ thủy, nước bắt đầu chảy rỉ ra từ phía chân đồi. Đi dọc theo các rẫy trồng cây của người dân xung quanh khu trung tâm hành chính, chúng tôi ghi nhận có một số vết nứt dài 1-2m, sâu khoảng 0,3m bị cây dại mọc che khuất, rất khó nhìn thấy.
Qua tìm hiểu, huyện Nam Trà My được tái lập cách đây 20 năm, do thiếu quỹ đất nên phải xẻ núi, bạt đồi tại khu vực trung tâm xã Trà Mai để có mặt bằng xây dựng khu trung tâm hành chính huyện. Qua thời gian, các chân núi dần có hiện tượng tụ thủy; đồng thời việc bạt đồi để tạo mặt bằng đã làm mất thế giữ chân nên lượng đất đá từ trên núi cứ tràn xuống mỗi khi xuất hiện mưa lớn.
Trước đây, vào năm 2020, phía sau trụ sở Chi cục Thi hành án huyện đã bị sạt lở, đất đá từ trên đỉnh đồi tràn vào khối nhà sinh hoạt, rất may không có thiệt hại về người. Để đảm bảo an toàn, phía sau các khối nhà của Chi cục Thi hành án, Viện kiểm sát huyện đã được đầu tư xây dựng kè chống sạt lở.
Không chỉ vậy, khoảng 1 năm trở lại đây, các đồi núi bên cạnh các trụ sở của Huyện ủy, UBND huyện, công an huyện… đã xuất hiện vết nứt, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.
Ông T.V.M. (công chức huyện Nam Trà My) cho biết, sau đợt sạt lở lớn trên toàn huyện vào năm 2020, đa số cán bộ, công chức làm việc trong tâm thế bất an. “Khu trung tâm hành chính này có hơn 100 cán bộ ở lại các khu tập thể phía sau cơ quan làm việc nên mọi người rất lo lắng về nguy cơ sạt trượt đất. Rất mong các cấp đầu tư kè chống sạt lở kiên cố để chúng tôi an tâm làm việc”, ông M. bày tỏ.
Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My Trần Duy Dũng thông tin, trước nguy cơ sạt lở đe dọa đến tính mạng của các cán bộ, công chức, huyện Nam Trà My đã tính đến phương án di dời trung tâm hành chính. Tuy nhiên, đối với một huyện miền núi, việc tìm ra quỹ đất để xây dựng là rất khó và gây ra lãng phí khi đầu tư xây mới hàng chục trụ sở làm việc. Do đó, giải pháp tối ưu là xây dựng kè chống sạt lở kết hợp hạ thấp các quả đồi.
“Theo chúng tôi tính toán, việc kè chống sạt lở kèm hạ thấp độ cao các ngọn đồi phải mất kinh phí trên 350 tỷ đồng. Với số tiền quá lớn so với huyện miền núi còn nghèo như Nam Trà My thì cần sự hỗ trợ của bộ, ngành, Trung ương và của tỉnh. Trước mắt, mong tỉnh hỗ trợ làm bờ kè với kinh phí khoảng 70 tỷ đồng để bảo vệ khu vực trung tâm hành chính. Về lâu dài, mong Chính phủ, bộ, ngành Trung ương cùng với tỉnh quan tâm hỗ trợ huyện Nam Trà My trong vấn đề chống sạt lở tại những vùng có nguy cơ cao, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản không chỉ cho trung tâm hành chính của huyện mà của cả những khu dân cư”, ông Trần Duy Dũng đề xuất.