Bộ luật Lao động quy định công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam phải đáp ứng khá nhiều điều kiện, mà quan trọng nhất là phải có giấy phép lao động và giấy tờ thể hiện việc họ có đủ trình độ chuyên môn để làm việc.
Cụ thể, với giáo viên người nước ngoài dạy tiếng Anh, pháp luật lao động quy định ít nhất 15 ngày, trước ngày dự kiến bắt đầu làm việc tại trung tâm Anh ngữ, thì trung tâm này có nghĩa vụ nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động đến sở LĐTB-XH địa phương. Giáo viên sẽ được xác định là chuyên gia đủ trình độ chuyên môn để giảng dạy tiếng Anh theo quy định của pháp luật khi có các giấy tờ cần thiết sau đây: văn bằng từ cấp đại học trở lên hoặc tương đương và có ít nhất 3 năm kinh nghiệm làm việc trong chuyên ngành sư phạm.
Quy định như vậy nhằm đảm bảo người nước ngoài muốn hành nghề tại Việt Nam phải có cả kỹ năng giảng dạy và kiến thức chuyên môn phù hợp, nhằm đảm bảo được chất lượng dạy và học. Tuy nhiên, thực tế hiện nay có rất nhiều giáo viên tiếng Anh người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam nhưng không có giấy phép lao động, bất chấp quy định tại Khoản 15 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP. Theo đó, những đối tượng người nước ngoài giảng dạy tại Việt Nam không có giấy phép lao động sẽ bị trục xuất khỏi lãnh thổ Việt Nam. Đồng thời, cũng theo quy định này, trung tâm Anh ngữ sử dụng giáo viên tiếng Anh người nước ngoài không có giấy phép lao động làm việc cho mình thì tùy vào số lượng giáo viên vi phạm, trung tâm Anh ngữ có thể bị xử phạt từ 30 - 75 triệu đồng và bị phạt bổ sung đình chỉ hoạt động từ 1 - 3 tháng.