Bộ này đã lên kế hoạch chi tiết về những thay đổi sắp tới, bao gồm nới lỏng các yêu cầu thử nghiệm đối với cây trồng biến đổi gen (GM), hạ bớt tiêu chuẩn khắt khe về an toàn đối với sinh vật biến đổi gen được sử dụng trong nông nghiệp, khuyến khích các công ty và tổ chức xây dựng cơ sở nghiên cứu cây trồng GM và nới lỏng các hạn chế về diện tích đối với việc thử nghiệm cây trồng GM.
Trước đây, năm 2020, Bắc Kinh đã kêu gọi một bước đột phá trong công nghệ sinh học và sản xuất hạt giống trong bối cảnh nguồn cung cấp lương thực bị gián đoạn do đại dịch Covid-19 gây ra. Bên cạnh đó là nỗi lo về việc phụ thuộc vào đậu nành nhập khẩu, bao gồm cả từ đối thủ Mỹ. Ông Chen Mengyao, nhà phân tích tại Công ty Chứng khoán Quốc Liên, cho biết những thay đổi có thể có nghĩa về cây trồng GM dự kiến sẽ mang lại những kết quả đầu tiên trên thị trường vào cuối năm 2022.
Theo Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, chính phủ nước này phải thúc đẩy ngành công nghiệp hạt giống quốc gia và tăng cường khả năng tự chủ trong công nghệ hạt giống. Sau khi đậu nành trở thành tâm điểm trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cùng đại dịch làm gia tăng lo ngại về an ninh lương thực, đã diễn ra các cuộc tranh luận sôi nổi quanh việc có nên nới lỏng công nghệ GM để giảm nhiệt nguồn cung ngũ cốc trong nước. Một số nhà hoạch định chính sách đã đi xa đến mức ví hạt giống GM là “con chip” của nông nghiệp, ám chỉ chất bán dẫn hiện là trung tâm của cuộc chiến công nghệ ngày càng gay gắt giữa 2 cường quốc.
Theo ông Wu Kongming, quyền Trưởng ban An toàn cây trồng công nghệ GM Trung Quốc, việc trồng trọt các giống cây trồng và vật nuôi mới bằng công nghệ GM được kỳ vọng sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc đối với ngũ cốc và protein, đồng thời đảm bảo về cơ bản an ninh ngũ cốc của nước này. Tuy nhiên, ông Wu cũng cảnh báo: “Ngành công nghiệp hạt giống sinh học của Trung Quốc đang đối mặt với những thách thức lớn, tính độc đáo của các công nghệ cốt lõi chưa đủ và 70% bằng sáng chế cốt lõi của công nghệ sinh học nông nghiệp toàn cầu hiện do Mỹ kiểm soát”.
Những tháng gần đây, trước lo ngại dịch bệnh Covid-19 lan rộng, Trung Quốc kêu gọi người dân tích trữ nhu yếu phẩm hàng ngày, làm dấy lên lo ngại về tình trạng thiếu lương thực. Bột mì, gạo và các mặt hàng thực phẩm khác ở các siêu thị tại nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc trở nên khan hiếm. Rau bó xôi, rau diếp và các loại rau ăn lá khác tăng giá gần đây do thời tiết khắc nghiệt. Nhiều vùng ở Trung Quốc mất mùa do lũ lụt, hạn hán. Nông dân ở Hà Nam vẫn phải chịu hậu quả của trận lũ lụt tồi tệ nhất đất nước trong nhiều thập niên. Vụ lúa mì của năm tới bị chậm lại đáng kể sau những trận mưa lớn trên khắp miền Bắc vào mùa thu, khiến nhiều cánh đồng bị úng nước. Mặc dù vậy, Bộ Thương mại Trung Quốc tuần qua vẫn lên tiếng đảm bảo đủ nhu cầu thiết yếu hàng ngày trong trường hợp khẩn cấp. Theo bộ này, ngũ cốc dự trữ trong kho nhà nước đủ để tiêu thụ trong 1 năm rưỡi.