Nhiều cáo buộc
EU là bên áp đặt trừng phạt đầu tiên. Giám đốc Sở Công an Tân Cương Chen Mingguo đã bị EU cáo buộc “giam giữ tùy tiện và đối xử tồi tệ đối với người Duy Ngô Nhĩ và những người thuộc các dân tộc thiểu số theo đạo Hồi khác; vi phạm có hệ thống đối với quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng của họ”. 2 quan chức, 1 thực thể bị cấm đi lại và đóng băng tài sản gồm: Wang Mingshan, Zhu Hai Lun và Tập đoàn xây dựng và sản xuất Tân Cương. Trong số này, Chen Mingguo cũng là người mà Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt. Ngoài ra, còn có một quan chức cấp cao khác của Tân Cương là Wang Junzheng.
Trong khi đó, Anh, Canada và Mỹ vừa ra một tuyên bố chung. Theo đó, 3 nước thống nhất yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt “các hoạt động đàn áp” ở Tân Cương. Các nước này cho biết họ đã có các bằng chứng cho những cáo buộc của mình gồm hình ảnh chụp từ vệ tinh, lời khai của các nhân chứng và các tài liệu của Chính phủ Trung Quốc.
Trong một phản ứng riêng lẻ, Bộ Ngoại giao Australia và New Zealand ra tuyên bố “bày tỏ quan ngại về việc ngày càng có thêm nhiều báo cáo tin cậy về những vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số theo đạo Hồi khác ở Tân Cương”, đồng thời hoan nghênh các biện pháp của Canada, EU, Anh và Mỹ.
Theo Reuters, các nhà hoạt động và chuyên gia về nhân quyền của Liên hiệp quốc cho biết, ít nhất 1 triệu người Hồi giáo đã bị giam giữ trong các trại ở Tân Cương. Các nhà hoạt động và một số chính trị gia phương Tây còn cáo buộc Trung Quốc sử dụng các hình thức “tàn bạo” như tra tấn, cưỡng bức lao động…
Trả đũa
Trước động thái của phương Tây, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố: “Cái gọi là các biện pháp trừng phạt dựa trên sự dối trá là không thể chấp nhận được”. Trung Quốc đã bác bỏ mọi cáo buộc và lập tức đưa ra các biện pháp trả đũa. Ngày 23-3, Bắc Kinh triệu tập Đại sứ EU tại Trung Quốc Nicolas Chapuis để phản đối hành động của EU, đồng thời yêu cầu khối này “sửa chữa sai lầm” để ngăn chặn thêm những thiệt hại cho quan hệ song phương.
Bắc Kinh cũng công bố danh sách trừng phạt các cá nhân và thực thể của EU mà theo Bắc Kinh là làm tổn hại nghiêm trọng chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc liên quan đến vấn đề Tân Cương. Trong những cá nhân bị Trung Quốc áp đặt lệnh trừng phạt đáng chú ý có chính trị gia người Đức Reinhard Butikofer, trưởng phái đoàn Nghị viện châu Âu tại Trung Quốc. Còn về thực thể có Tổ chức Liên minh các nền dân chủ phi lợi nhuận do cựu Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen thành lập…
Giới quan sát nhận định, những mâu thuẫn tồn tại lâu nay giữa Mỹ, phương Tây và Trung Quốc khiến căng thẳng gia tăng là điều khó tránh khỏi. Nhiều năm qua, vì lợi ích của mình tại thị trường tỷ dân, EU tìm cách tránh đối đầu với Bắc Kinh. Các biện pháp trừng phạt đưa ra lần này là biện pháp cứng rắn nhất của EU đối với Bắc Kinh kể từ năm 1989. Các biện pháp trừng phạt chỉ mang tính biểu tượng nhưng đã đánh dấu sự thay đổi thái độ của EU đối với Trung Quốc: từ đối tác thương mại lành tính thành nước lạm dụng các quyền và tự do có hệ thống.
Việc Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngợi ca quyết định của EU là “một phản ứng thống nhất xuyên Đại Tây Dương gửi đi một tín hiệu mạnh mẽ tới những người vi phạm hoặc lạm dụng nhân quyền quốc tế” cũng cho thấy việc liên kết với các đồng minh đang được chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden thúc đẩy mạnh mẽ và Mỹ sẽ không còn “một mình một ngựa” trong các cạnh tranh, xung đột trong tương lai.
Trong khi phương Tây cáo buộc các trại tập trung ở Tân Cương là nơi đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và những dân tộc thiểu số khác theo đạo Hồi, Trung Quốc khẳng định đây là nơi đào tạo nghề và chúng thực sự cần thiết để chống lại chủ nghĩa cực đoan. |