Trung Quốc trước đòn chống bán phá giá của EU

Ủy ban châu Âu (EC) vừa thông báo áp thuế chống bán phá giá đối với cáp quang nhập khẩu từ Trung Quốc, các sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Ấn Độ, Indonesia, với lý do những mặt hàng nhập khẩu này đã gây thiệt hại cho các công ty của Liên minh châu Âu (EU).

Bảo vệ thị trường nội địa 

Mức thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng trên dao động từ 10,2% - 20,2% đối với Indonesia và từ 13,9% - 35,3% đối với Ấn Độ. Theo EC, các mức thuế này sẽ giúp bảo vệ hơn 13.500 việc làm trực tiếp của EU trong lĩnh vực thép cuộn. Mức áp thuế chống bán phá giá đối với một số loại cáp quang nhập khẩu từ Trung Quốc dao động từ 19,7% - 44%. 

Một nhà máy sản xuất cáp quang tại Trung Quốc
EC đã mở một cuộc điều tra nhằm vào cáp quang Trung Quốc từ tháng 9-2020, sau khi nhận được đơn khiếu nại từ Hiệp hội các nhà sản xuất cáp và dây điện châu Âu (Europacable). Bên khiếu nại cho rằng việc nhập khẩu sản phẩm này từ Trung Quốc đã gây tổn hại cho ngành công nghiệp châu Âu. Đây là lần áp thuế mới nhất nhằm vào các sản phẩm công nghiệp đến từ Trung Quốc. Trước đó, vào tháng 4 năm nay, EU áp thuế bổ sung từ 21,2% - 31,2% với một số sản phẩm nhôm Trung Quốc.


Cáp quang, thép không gỉ cán nguội hay nhôm là một trong những sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia. Tuy chưa có thống kê đầy đủ về những thiệt hại từ mức áp thuế mới, nhưng sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, cũng như xuất khẩu của 3 quốc gia trên. Đặc biệt là với Trung Quốc - nơi sản xuất và tiêu thụ cáp quang lớn nhất thế giới đang đối mặt với tình trạng sụt giảm do sản xuất dư thừa. Trung Quốc hiện là nhà sản xuất thép và nhôm lớn nhất thế giới. Nước này cũng là một trong số ít các nước ồ ạt tăng sản lượng trong năm ngoái bất chấp nền kinh tế toàn cầu suy giảm mạnh. Trong nhiều thập niên, Bắc Kinh đã bị Brussels cáo buộc “tấn công” và thao túng thị trường nhôm thép toàn cầu bằng các sản phẩm giá rẻ hơn và thường được chính phủ trợ giá. 

 Lo ngại gia tăng căng thẳng thương mại 

Nhận định về việc áp mức thuế mới nói trên, tờ Financial Times cho rằng EU đang tăng cường áp lực buộc các nước phải tuân thủ các quy tắc thương mại toàn cầu như một phần của chính sách thương mại quyết đoán hơn, đồng thời muốn bảo vệ thị trường các nước thành viên trong quá trình phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19. Phía EU tuyên bố đây là bước đi cần thiết để bảo vệ các ngành sản xuất ở châu Âu trước hành vi cạnh tranh không công bằng. Tuy nhiên, giới chuyên gia kinh tế lo ngại đến việc các quốc gia bị ảnh hưởng bởi các quy tắc này sẽ bị trả đũa, làm tăng thêm căng thẳng thương mại toàn cầu.

Riêng với EU và Trung Quốc, hai bên vốn đã nảy sinh các bất đồng xung quanh việc áp thuế thương mại lên các sản phẩm xuất khẩu từ lĩnh vực gia dụng đến công nghiệp từ nhiều năm qua. Phía Trung Quốc liên tục có những hành động trả đũa tương tự khi mở các cuộc điều tra chống bán phá giá lên các sản phẩm của EU. Bộ Thương mại Trung Quốc cũng thông báo việc kích hoạt các biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng cao su tổng hợp ethylene propylene (EPDM) nhập khẩu từ EU. Với lý do ngành công nghiệp nội địa chịu thiệt hại đáng kể do các đối tác bán phá giá, Trung Quốc áp các mức thuế lên EPDM từ 12,5% - 222%. 

Việc áp thuế chống bán phá giá là công cụ phòng vệ thương mại được các quốc gia trên thế giới sử dụng rộng rãi nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng hóa sản xuất trong nước. Theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hơn 25 năm qua, các nước đã khởi xướng điều tra tổng cộng 6.300 vụ việc chống bán phá giá, 632 vụ chống trợ cấp. .

Tin cùng chuyên mục