Mục đích của cuộc điều tra là để có cái nhìn rõ hơn về thực trạng của nền kinh tế nước này, từ đó tạo cơ sở thuận lợi cho công tác hoạch định các chính sách kinh tế.
Điều tra toàn diện doanh nghiệp
Thông báo của Chính phủ Trung Quốc cho biết, đối tượng của cuộc tổng điều tra sẽ là tất cả doanh nghiệp, chi nhánh độc lập của các doanh nghiệp và các hộ kinh doanh cá thể thuộc khu vực thứ hai và thứ ba của nền kinh tế đang hoạt động trong nước. Nội dung chính của cuộc điều tra sẽ là tình hình cơ bản, cơ cấu tổ chức, tiền lương nhân viên, năng lực sản xuất, tình hình tài chính, tình hình sản xuất và kinh doanh, tiêu thụ năng lượng, công tác số hóa, giao dịch thương mại điện tử, hoạt động nghiên cứu và phát triển của các đối tượng thuộc diện điều tra.
Chính phủ Trung Quốc sẽ thành lập một tổ lãnh đạo chịu trách nhiệm tổ chức tổng điều tra, đồng thời triển khai nghiên cứu và thực thi các quyết sách đối với những vấn đề quan trọng trong cuộc tổng điều tra. Chính quyền trung ương và chính quyền các địa phương sẽ chia sẻ các khoản kinh phí phục vụ cuộc tổng điều tra.
Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc cũng yêu cầu các cá nhân và tổ chức liên quan đến cuộc điều tra không được phép báo cáo sai sự thật, che giấu hoặc từ chối báo cáo, thay đổi dữ liệu, giả mạo kết quả điều tra và can thiệp vào quá trình điều tra. Theo kế hoạch, cuộc tổng điều tra nói trên sẽ được tiến hành trong năm 2018.
Rà soát sức mạnh đất nước
Thông báo của Chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh, đây là cuộc điều tra hết sức quan trọng về tình hình và sức mạnh của đất nước. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế quý 3-2017 của Trung Quốc giảm nhẹ khi những nỗ lực kiềm chế cơn sốt bất động sản và rủi ro nợ nần của chính phủ nước này khiến các hoạt động kinh tế bị hạn chế phần nào.
Hãng tin Reuters dẫn số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố giữa tháng 11 cho thấy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng 6,8% trong quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái, bằng với mức dự báo mà giới phân tích đưa ra. Trong quý 2, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,9%.
Sản lượng công nghiệp tháng 9 của Trung Quốc tăng 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt dự báo. Đầu tư tài sản cố định trong 9 tháng đầu năm tăng 7,5%, thấp hơn dự báo. Doanh thu bán lẻ tháng 9 tăng 10,3%, so với dự báo tăng 10,2%. Dữ liệu công bố tuần trước về xuất nhập khẩu của Trung Quốc trong tháng 9 cho thấy nền kinh tế vẫn đang giữ được đà tăng trưởng vững. Các ngân hàng nước này cũng cho vay nhiều hơn dự báo trong tháng 9 do nhu cầu vay vốn cao của người mua nhà và các doanh nghiệp. Theo NBS, tính chung 3 quý đầu năm, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,9%, đưa GDP nước này đạt hơn 59,3 ngàn tỷ nhân dân tệ, tương đương khoảng 8,96 ngàn tỷ USD.
Theo Wall Street Journal, vừa phải thúc đẩy tăng trưởng, đồng thời phải cố tránh một cuộc khủng hoảng tài chính là bài toán khó đối với nền kinh tế Trung Quốc. Còn theo báo cáo kinh tế 2017 của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Trung Quốc đang đối mặt với rủi ro tài chính ngày càng lớn trong khi các biện pháp mới nhằm bình ổn nền kinh tế không mang lại hiệu quả như mong đợi. Những rủi ro sát sườn nhất như dư thừa sản xuất công nghiệp nặng, bong bóng bất động sản và các thị trường tài sản khác làm gia tăng nguy cơ vỡ nợ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Các nhà phân tích đã lường trước sự giảm tốc dần của kinh tế Trung Quốc do hoạt động đầu tư bất động sản và xây dựng chững lại, khi ngày càng có nhiều thành phố của nước này tung các biện pháp kiểm soát đà tăng mạnh của giá nhà.