Trước đó, Trung Quốc đã đưa xe tự hành lên thám hiểm mặt khuất của Mặt trăng vào năm 2019; mang mẫu đất đá Mặt trăng về Trái đất năm 2020; đưa một phần trạm không gian của nước này vào quỹ đạo vào tháng 4-2021, đưa robot Zhu Rong hạ cánh xuống sao Hỏa hồi tháng 5... Theo chuyên gia người Pháp Isabelle Sourbes-Verger, chương trình không gian của Trung Quốc không phải là gần đây mới có. Trên thực tế, nó được khởi động từ cuối thập niên 1950. Nhưng thời điểm đó, Bắc Kinh còn khá tụt hậu về kinh tế và công nghệ so với thế giới. Phải đến những năm 1980, với chính sách cải cách và mở cửa, chương trình không gian của Trung Quốc mới thực sự có thể cất cánh.
Chuyên gia Verger cho hay, các cường quốc khác về không gian đang lo ngại về bước tiến của Trung Quốc. Nga e ngại Bắc Kinh có dự án chính trị lớn đằng sau chương trình không gian. Ấn Độ ngờ vực Bắc Kinh, nhất là về ảnh hưởng trong khu vực ở châu Á. Với châu Âu, nếu Trung Quốc tiếp tục phát triển các năng lực thương mại như sản xuất vệ tinh, thì nước này có khả năng sẽ trở thành một đối thủ cạnh tranh trên thị trường thương mại về phóng vệ tinh, vốn đã có sự hiện diện của các công ty của Mỹ. Cuối cùng, quốc gia lo ngại nhất có lẽ là Mỹ. Washington sợ rằng Bắc Kinh sẽ có được những năng lực mới trong lĩnh vực mà lâu nay Mỹ vẫn ở vị trí dẫn đầu.
Vì thế, Mỹ tìm cách “hãm phanh” đối thủ. Do yêu cầu của Mỹ, Trung Quốc không thể gửi phi hành gia lên Trạm không gian quốc tế (ISS). Chuyên gia Marc Julienne của Viện Ifri, có trụ sở tại Paris (Pháp), giải thích: “Mỹ lo sợ về việc bị Trung Quốc bắt kịp về công nghệ. Để Trung Quốc tham gia tức là giúp đỡ Bắc Kinh phát triển chương trình không gian của riêng họ và có nguy cơ để rò rỉ bí quyết và công nghệ”. Cũng vì lý do này, Bắc Kinh không thể phóng vệ tinh được chế tạo bằng các linh kiện của Mỹ. Vào năm 2011, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật cấm NASA hợp tác với các tổ chức hoặc công ty Trung Quốc trong lĩnh vực không gian, vũ trụ.
Nhưng chính việc Mỹ hãm đà phát triển của Trung Quốc lại thúc đẩy Bắc Kinh tự xoay xở. Muốn nghiên cứu quỹ đạo trong điều kiện không trọng lực, Trung Quốc đã phát triển trạm vũ trụ của riêng mình (CSS). Trạm CSS đang được lắp ráp và rất có thể đưa Trung Quốc lên vị trí mạnh trong những năm tới, bởi ISS sẽ ngừng vận hành sau một vài năm nữa. Nhà nghiên cứu Marc Julienne nhận định: “Trạm không gian của Trung Quốc có thể trở thành trạm vũ trụ duy nhất, của một nhà nước, phục vụ nghiên cứu khoa học trên quỹ đạo Trái đất vào cuối thập kỷ này”. Nga và Mỹ chắc chắn có dự án của riêng mình, nhưng trạm không gian của Trung Quốc sẽ nhanh chóng được hoàn thành từ nay đến năm 2022.
Bắc Kinh đã tuyên bố mở trạm này cho hoạt động hợp tác quốc tế, nhưng kèm điều kiện mà Bắc Kinh đưa ra. Nếu ISS là một trạm quốc tế (gồm Mỹ, Nga, Nhật Bản, Canada và 11 nước châu Âu) hoạt động dựa trên các hiệp ước được ký kết giữa các chính phủ, thì trạm không gian mới sẽ là của riêng Trung Quốc. Do đó, sự hợp tác mà Bắc Kinh thông báo sẽ được thực hiện theo ý muốn và các điều kiện của Trung Quốc. Trạm không gian như vậy có thể sẽ trở thành đòn bẩy ngoại giao đối với các hồ sơ khác về kinh tế và chính trị, vốn không liên quan gì đến không gian…