Mất từ 1%-1,5% GDP
Vũ Hán là một trong những thành phố năng động nhất của Trung Quốc, với sông Dương Tử bao quanh, là chiếc nôi của nền công nghiệp xe hơi Trung Quốc và từng được mệnh danh là một “Detroit” (thành phố của Mỹ - từng được xem là “kinh đô xe hơi” của thế giới) của nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới. Thành phố với 11 triệu dân là nơi có khoảng 10 nhà máy lắp ráp xe hơi, sản xuất trên 2 triệu xe hơi/năm để phục vụ thị trường nội địa.
Không chỉ là trung tâm của nền công nghiệp xe hơi Trung Quốc, Vũ Hán còn là một lò công nghệ luyện kim, nơi sản xuất đến 66% đường ray xe lửa cho Trung Quốc.
Gần đây, nhiều công ty khởi nghiệp của Trung Quốc và nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao cũng đã dồn về Vũ Hán. Hơn 300 tập đoàn nước ngoài đã đổ vốn đầu tư vào thành phố này. Trong số đó, phải kể đến Microsoft của Mỹ, công ty sản xuất phần mềm SAP của Đức, hơn 160 hãng lớn nhỏ của Nhật Bản.
Không chỉ là một thành phố năng động, Vũ Hán còn là một mắt xích quan trọng trong dây chuyền cung ứng, một chặng trung chuyển không thể thiếu trong quan hệ thương mại. Với một cảng lớn trên sông Dương Tử, sân bay và các sân ga “cỡ bự”, Vũ Hán được xem là cánh cổng giao thương giữa Trung Quốc với châu Âu, Trung Đông và cả Mỹ. Về mặt ngoại giao và văn hóa, nhiều nước phương Tây như Anh, Pháp, Mỹ mở lãnh sự tại Vũ Hán. Thành phố này cũng là một điểm đến được nhiều sinh viên quốc tế ưa chuộng.
Tất cả những lợi thế vừa nêu đủ cho thấy quyết định cách ly Vũ Hán sẽ đưa đến những ảnh hưởng tiêu cực tới mức độ nào. Nhà báo Pierre Haski, người từng là phóng viên thường trực của báo Pháp Liberation khi dịch SARS hoành hành hồi năm 2002-2003, nhận định: “Chắc chắn là sẽ có những hậu quả đối với nền kinh tế Trung Quốc. Dịch SARS đã lấy đi từ 1%-1,5% GDP của Trung Quốc. Khi đó, tỷ lệ tăng trưởng là hơn 10%. Ngày nay, các dự báo đều cho thấy, tăng trưởng của Trung Quốc năm 2020 chỉ bằng một nửa so với gần 20 năm trước và vào khoảng hơn 6% một chút. Với tình trạng các hoạt động mua bán và sản xuất bị đình trệ kéo dài, việc mất đi từ 1%-1,5% tăng trưởng nữa, tức là dự báo GDP của nước này còn khoảng 5%, sẽ lại càng đẩy Trung Quốc vào vùng nguy hiểm”.
Không ai vô sự
Sau khi nCoV bùng phát mạnh vào giữa tháng 1 vừa qua, chỉ số VIX (“chỉ số của nỗi sợ” đánh giá cảm nhận về lo ngại của giới đầu tư trước các rủi ro của thị trường) đột ngột tăng 25% chỉ trong vòng 1 ngày (27-1). Lo ngại bệnh dịch ảnh hưởng đến nền kinh tế vốn được coi là một đầu tàu tăng trưởng của kinh tế thế giới, chứng khoán tại một số nơi ngày 27-1 sụt giảm mạnh, tiêu biểu là chỉ số Dow Jones sụt 1,57%, mức lùi chưa từng có kể từ tháng 10-2019; hay chỉ số Nikkei tại Tokyo sụt 2%, mức giảm mạnh nhất kể từ 5 tháng qua.
Việc Bắc Kinh đình chỉ toàn bộ hoạt động du lịch tại Trung Quốc và nước ngoài kể từ ngày 28-1 vừa qua đã tác động mạnh đến các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào du lịch Trung Quốc rất rõ ràng.
Trước hết là các nước láng giềng như Thái Lan (10,5 triệu du khách), Nhật Bản (8,4 triệu), Hàn Quốc (5 triệu), Việt Nam (5 triệu), Singapore (3,4 triệu), Malaysia (2,9 triệu); Theo số liệu năm 2018... Chi phí của khách du lịch Trung Quốc ở nước ngoài hàng năm ước tính khoảng 130 tỷ USD.
Bộ trưởng Du lịch Indonesia Wishnutama Kusubandio cho biết, dịch bệnh tại Trung Quốc sẽ khiến ngành công nghiệp không khói nước này thất thu khoảng 4 tỷ USD. Bộ Du lịch Indonesia sẽ buộc phải điều chỉnh lại mục tiêu doanh thu trong năm 2020.
Trong khi đó, các biện pháp hạn chế đi lại liên quan đến dịch nCoV có thể gây thiệt hại về kinh tế đối với nhiều thành phố và bang trên khắp nước Mỹ. Công ty Tư vấn Oxford Economics ước tính, nCoV sẽ khiến mức chi tiêu của du khách Trung Quốc tại Mỹ giảm 10,3 tỷ USD, phần lớn trong năm 2020.
Hàn Quốc cũng đang lo ngại về dịch bệnh tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp của nước này. Một số dây chuyên sản xuất tại nhà máy của hãng ô tô Hyundai ở TP Ulsan và nhà máy của hãng ô tô SsangYong ở TP Pyeongtaek (tỉnh Gyeonggi) đã phải tạm ngừng hoạt động do thiếu nguồn cung phụ tùng từ Trung Quốc.
Không chỉ riêng các doanh nghiệp sản xuất ô tô, ngành chế tạo Hàn Quốc cũng bị ảnh hưởng. Nhà máy thiết bị điện tử gia dụng của hãng điện tử Samsung tại TP Tô Châu, nhà máy sản xuất pin của hãng SK Innovation ở TP Thường Châu, và nhà máy pin của hãng hóa học LG ở TP Nam Kinh (đều thuộc tỉnh Giang Tô) đã phải kéo dài thời gian dừng hoạt động. Chính phủ Hàn Quốc đang đứng trước nhiệm vụ đầy thách thức là làm thế nào đạt mục tiêu tăng trưởng 2,4% trong năm nay.
Với Nhật Bản, Hãng sản xuất xe hơi Toyota của nước này một lần nữa quyết định hoãn nối lại hoạt động với các nhà máy tại Trung Quốc. Lịch hoạt động dự kiến sớm nhất là ngày 17-2, chậm khoảng 2 tuần so với kế hoạch ban đầu của công ty. Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo cho biết, vào tuần tới, Chính phủ Nhật Bản sẽ đề ra các biện pháp khẩn cấp nhằm ứng phó với nCoV.
Một tác động thấy rõ đối với kinh tế toàn cầu bởi nCoV trong những ngày qua là giá dầu mỏ giảm mạnh (cũng là phản ánh lo ngại về sự lao dốc của nền kinh tế Trung Quốc). Chưa đầy một tháng, giá “vàng đen” đã sụt 20%, và ngày 3-2 vừa qua đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1-2019. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu mỏ hàng đầu và là nước tiêu thụ đứng thứ hai thế giới. Mức tiêu thụ của nền kinh tế thứ 2 thế giới có tác động rất lớn đối với giá dầu của thị trường toàn cầu. Khi kinh tế bị chựng lại, nhu cầu tiêu thụ sẽ sụt giảm ngay.
Vì vậy, hôm 4-2, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và Nga đã họp tại Vienna, Áo trong 2 ngày để thảo luận về khả năng cắt giảm hơn nữa mức sản xuất. Để dễ hình dung về tác động của dịch bệnh tại Trung Quốc tới nền kinh tế thế giới, hãy so sánh những hậu quả do dịch SARS để lại.
17 năm trước, khi dịch SARS được phát hiện và kéo dài trong hơn 5 tháng, thiệt hại cho kinh tế thế giới vào khoảng 40 tỷ USD, tương đương gần 0,1% GDP toàn cầu. Nhưng phải nhấn mạnh thêm rằng, khi đó GDP Trung Quốc chỉ chiếm 8,3% GDP toàn cầu, còn tỷ lệ này hiện nay đã lên tới hơn 20%.
Hầu hết các chuyên gia đều nhận định, ảnh hưởng về dài hạn đến nền kinh tế thế giới của nCoV vẫn là câu hỏi còn để ngỏ. Điều này phụ thuộc rất nhiều vào mức độ phát triển của dịch bệnh và khả năng kiểm soát dịch tại Trung Quốc. Có một điều chắc chắn, như kết luận của một bài viết đăng trên tạp chí The Diplotmat: Không ai vô sự khi nền kinh tế thứ 2 thế giới đi xuống.
Ý nghĩa địa chính trị Dịch nCoV lan nhanh trong bối cảnh thương chiến Mỹ - Trung Quốc và nền kinh tế Trung Quốc đang đi xuống. Để đối phó với thách thức lớn như thế, Trung Quốc cần huy động nguồn lực của 1,4 tỷ dân, kinh tế Trung Quốc có thể đành phải “ngủ đông”, thậm chí tạm thời rút khỏi địa chính trị thế giới nếu cần thiết. Hậu quả về địa chính trị trong tương lai gần là rất lớn, với tình hình này, nếu Bắc Kinh xác định tạm thời ẩn dật có thể là biện pháp tốt nhất. Mỹ sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất. Tạm thời, cán cân sức mạnh nghiêng về phía Mỹ. Hiện nhóm các quốc gia có chính sách đối ngoại độc lập, vốn đối nghịch với quan điểm của Mỹ, nhất là Iran, Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, chắc chắn rằng khi tham gia một “trục”, tất cả thành viên này phải có khả năng kháng cự lại Mỹ và phương Tây nói chung. Nhưng nếu một nước đứng ra bên ngoài, nhất là từ trục Trung Quốc - Nga - Iran, cán cân quyền lực toàn cầu sẽ nghiêng về phương Tây. Trung Quốc mà “quy ẩn giang hồ” sẽ là “ác mộng” cho Nga và Iran. |