Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho biết, ngày 24-7 vừa qua, Bắc Kinh thông báo không cho các trường đăng ký dạy thêm mới, còn những trường đã đăng ký phải chuyển thành cơ sở phi lợi nhuận. Quy định mới còn cấm dạy thêm vào cuối tuần và các kỳ nghỉ đối với các môn được dạy ở trường công.
Đầu tháng 6, Trung Quốc cũng cho “đánh sập” dịch vụ giáo dục trực tuyến trong nước. Hành động này được cho là nhằm thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm giảm nhẹ gánh nặng sức ép học hành cho học sinh. Có một thực trạng là đến 7/10 học sinh ở Trung Quốc phải học thêm ngoài giờ, từ mẫu giáo cho đến tú tài tại các thành phố lớn.
Gánh nặng không chỉ đè lên vai học sinh mà còn đào sâu bất bình đẳng giữa các gia đình khá giả và những gia đình có thu nhập trung bình. Theo một nghiên cứu năm 2019, trung bình một gia đình Trung Quốc phải dành 20%-30% thu nhập cho việc học hành của con cái. Nhiều người phải đầu tư, mua hoặc thuê nhà ở gần các trường điểm nơi con học thêm.
Một khẩu hiệu được nhiều lò luyện thi sử dụng: “Nếu bạn đến đây, chúng tôi sẽ đào tạo con cái bạn; còn nếu không, chúng tôi đào tạo những người cạnh tranh với con em bạn”, đã phần nào cho thấy cuộc chạy đua học hành căng thẳng tại Trung Quốc. Các chuyên gia cũng cho rằng, trong lúc tỷ lệ sinh đang giảm, việc chính quyền tìm cách giảm bớt chi phí giáo dục, một trong những lý do khiến nhiều cặp vợ chồng không muốn sinh thêm con, cũng là để khuyến khích người dân sinh nhiều con hơn.
Tuy nhiên, câu hỏi được nhiều người đặt ra là liệu quy định mới của Trung Quốc có hiệu quả? Ether Yin thuộc đơn vị tư vấn Trivium China cho rằng, chiến dịch này mới đánh vào cung, nhưng về cầu, phụ huynh vẫn sẽ tiếp tục tìm kiếm lợi thế cho con mình trong các kỳ thi.
Trả lời phỏng vấn của SCMP, một số người cho hay, họ vẫn lén lút thuê gia sư, ngay cả khi dịch vụ đắt gấp hàng chục lần. Tính cạnh tranh cao trong kỳ thi vào trung học và đại học buộc các gia đình phải trả tiền học thêm. “Nếu những người khác thuê gia sư riêng, chúng tôi cũng sẽ làm như vậy”, một người dân ở TP Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, khẳng định.
Diễn biến này đang gợi lên hình ảnh của Hàn Quốc trong những năm 1970. Vào thời điểm đó, Chính phủ Hàn Quốc xem việc dạy thêm là bất hợp pháp. Kết quả là phụ huynh cho con em học “chui”.
Theo Rui Ma, người lập ra podcast Techbuzzchina, mặt tốt của quy định mới là làm nhẹ phần nào gánh nặng cho người dân có thu nhập trung bình, nhưng mặt tiêu cực là dạy thêm sẽ chuyển thành hoạt động ngầm. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cũng đã đưa tin về sự xuất hiện của “thị trường chợ đen” cho các dịch vụ giáo dục. Cảnh sát cũng đã bắt giữ nhân viên tại một số trung tâm dạy thêm.
Theo Ether Yin, giải pháp tốt nhất cho giáo dục Trung Quốc hiện nay là nỗ lực hài hòa chất lượng các trường công để các em không phải gắng sức chạy đua vào trường điểm. Chỉ có như vậy, sức ép lên học sinh và phụ huynh ở quốc gia tỷ dân mới được cởi bỏ. Tuy nhiên, một số chuyên gia giáo dục nhận định: “Còn kỳ thi tuyển sinh đại học thì gia sư còn kiếm được tiền”.