Trung Quốc siết chặt kiểm soát thông tin giả

Quân đội Trung Quốc ngày 19-11 đã cho ra mắt một trang mạng để người dân có thể tố giác việc phát tán các tin tức rò rỉ và giả mạo, cũng như các hoạt động trực tuyến bất hợp pháp của quân nhân.

Công dân Trung Quốc được khuyến khích tố cáo những nội dung trực tuyến trái phép và có hại cho xã hội
Công dân Trung Quốc được khuyến khích tố cáo những nội dung trực tuyến trái phép và có hại cho xã hội

Ảnh hưởng cả quan hệ ngoại giao

Theo cổng thông tin quân đội 81.cn, trang mạng mới này là một nỗ lực nhằm thực hiện tinh thần chỉ đạo của Đại hội lần thứ XIX  Đảng Cộng sản Trung Quốc và sẽ giúp duy trì “không gian mạng trong sạch” xung quanh quân đội. Công dân được khuyến khích sử dụng trang mạng để tố cáo những nội dung trực tuyến công kích quân đội cũng như xuyên tạc lịch sử của quân đội và Đảng Cộng sản. Ngoài ra, cũng cần phải tố cáo việc các quân nhân mở tài khoản xã hội trực tuyến giả mạo và đăng tải những thông tin trái phép.

Bắc Kinh hiện đang tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh mạng và duy trì việc kiểm duyệt chặt chẽ, một quá trình được đẩy nhanh trước thềm Đại hội Đảng hồi tháng 10. Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh “chủ quyền mạng” của Trung Quốc là một ưu tiên hàng đầu trong chiến dịch sâu rộng của ông nhằm tăng cường an ninh quốc gia.

Phát tán tin đồn và tin giả mạo là vấn đề mà toàn cầu đang phải đối mặt. Hồi tháng 1-2017, Indonesia phải tuyên bố thành lập một cơ quan để đối phó thông tin giả mạo sau một loạt tin đồn lan truyền trên mạng xã hội, trong đó có vụ Trung Quốc bị tố tiến hành chiến tranh sinh học chống lại Indonesia bằng ớt nhiễm khuẩn. Bộ trưởng An ninh Indonesia, Wiranto cho biết, việc thành lập cơ quan này là cần thiết nhằm chống lại “sự vu khống, giả mạo, gây hiểu lầm và lan truyền hận thù” từ không gian mạng và mạng xã hội.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Indonesia sau đó ra tuyên bố phủ nhận thông tin này và cho rằng thông tin “gây hiểu nhầm và tạo ra mối quan ngại lớn” đối với Bắc Kinh. Ngoài ra, một câu chuyện khác được thêu dệt và lan truyền trên mạng xã hội với nội dung hàng triệu công nhân Trung Quốc vào Indonesia để thay thế lao động địa phương, cũng khiến dân chúng hoang mang.

Doanh nghiệp đã hành động trước

Các doanh nghiệp Trung Quốc từ lâu đã phối hợp nhiều công nghệ hiện đại và con người để quản lý nội dung trên Internet có hại cho xã hội. Tháng trước, công cụ tìm kiếm lớn nhất Trung Quốc, Baidu - một trong ba hãng Internet lớn nhất Trung Quốc - cho biết họ phải xác minh 3 tỷ khiếu nại tin giả mạo mỗi năm và hợp tác chặt chẽ với chính phủ để xử lý cái mà họ gọi là thách thức toàn cầu.

Baidu cũng đang phải ứng dụng công nghệ xác định thông tin không xác thực trước khi chuyển cho cơ quan chức năng xác minh. Nghĩa vụ của Baidu là bảo đảm người dùng được tiếp nhận thông tin tốt. Đây cũng là áp lực còn đang đặt lên vai dịch vụ mạng xã hội như Google và Twitter ngày một lớn, khi giới phê bình cho rằng tin giả mạo và quảng cáo mục tiêu có tác động đến tình hình chính trị.

Đầu tháng 10 vừa qua, Giám đốc an ninh Facebook Alex Stamos và cựu CEO Microsoft Steve Ballmer cũng thừa nhận rất khó để xác định tin giả mạo và hoạt động tuyên truyền sử dụng các chương trình máy tính.

Chống lại tin tức giả mạo là một cuộc chiến của toàn cầu, khi mà báo chí cũng giả. Một vụ giả báo chí chấn động là vào cuối tháng 9 vừa qua, người ta đã phát hiện một trang web tin tức có tên “The Washington Post”, giống hệt tên của tờ báo nổi tiếng tại Mỹ. Phiên bản này viết bằng tiếng Trung Quốc, khiến nhiều người hiểu nhầm rằng Washington Post đã có thêm phiên bản tiếng Trung tại Trung Quốc.

Ở Mỹ và châu Âu, các chương trình huấn luyện mang tên News Literacy và Media Literacy đều hướng đến công chúng trẻ tuổi, trang bị cho họ những kiến thức và kỹ năng căn bản để đánh giá, phát hiện tin tức giả, ảnh giả trên báo chí và mạng xã hội…Tuy nhiên, cuộc chiến chống lại tin tức giả mạo sẽ còn dài.

Tin cùng chuyên mục