Có qua, có lại
Danh sách do Bộ Tài chính Trung Quốc công bố cho thấy, các sản phẩm được gia hạn miễn thuế gồm: gỗ, nông sản, dầu bôi trơn, công cụ máy móc, máy rèn, một số sản phẩm laser và sản phẩm y tế.
Động thái trên được đưa ra vài ngày sau khi Văn phòng đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 24-11 tuyên bố gia hạn miễn thuế 3 tháng đối với 81 sản phẩm y tế nhập khẩu từ Trung Quốc, trong đó có máy đo huyết áp, máy chụp X-quang, để tiếp tục chống đại dịch Covid-19.
Dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Washington thực hiện biện pháp áp thuế cao đối với lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 350 tỷ USD của Trung Quốc, từ giày dép, quần áo đến đồ điện tử, xe đạp và thậm chí cả thức ăn gia súc, viện dẫn Trung Quốc có các hoạt động thương mại không công bằng và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Tháng 1-2020, ông Trump đã ký Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo thỏa thuận, Trung Quốc cam kết tăng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa nông nghiệp và chế tạo, năng lượng cùng dịch vụ của Mỹ thêm 200 tỷ USD so với mức năm 2017 trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, mục tiêu này không đạt được do đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh tỷ lệ lạm phát ở Mỹ hiện đang ở mức cao nhất trong hơn 40 năm, chính quyền Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đứng trước sức ép phải chấm dứt các biện pháp thuế quan theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại Mỹ 1974, nhiều biện pháp trong đó dự kiến hết hiệu lực vào tháng 7 tới.
Theo báo chí Trung Quốc, ông Hu Qimu, Phó Tổng thư ký Diễn đàn hội nhập các nền kinh tế kỹ thuật số Forum 50 (Trung Quốc), cho rằng, Bắc Kinh và Washington đang miễn thuế đối với một số sản phẩm mà phía bên kia đang cần gấp. Ông Hu Qimu lưu ý rằng những gì Trung Quốc thể hiện là các biện pháp có đi có lại đối với Mỹ, theo kiểu “nếu Mỹ nới lỏng chính sách, Trung Quốc cũng sẽ làm như vậy”.
Thương mại song phương tăng đều
Kể từ tháng 9-2019, Trung Quốc đã gia hạn một số miễn trừ thuế quan trả đũa đối với hàng hóa của Mỹ, sau khi Mỹ đã có bước đi tương tự. Thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đã tăng 8,3% vào năm 2020 và tăng 28,7% vào năm 2021. Trong 10 tháng đầu năm 2022, thương mại giữa hai nước tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2021, lên 639,83 tỷ USD.
Trong khi đó, các công ty Mỹ vẫn không ngừng đầu tư vào Trung Quốc ngay cả sau khi Mỹ phát động chiến tranh thương mại. Cargill công bố tăng đầu tư vào Trung Quốc. ExxonMobil đã bắt đầu xây dựng một dự án hóa dầu lớn ở Huệ Châu, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc, đây là dự án hóa dầu lớn đầu tiên do một công ty Mỹ sở hữu hoàn toàn ở Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho biết, các số liệu thương mại và quyết định đầu tư cho thấy mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là không thể dừng lại, đồng thời lưu ý rằng bước tiếp theo là tìm ra một con đường cụ thể để giải quyết các vấn đề tồn tại.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc - Mỹ về bản chất là cùng có lợi. Phát động chiến tranh thương mại hay chiến tranh công nghệ, xây dựng các bức tường và rào cản, hoặc thúc đẩy việc tách rời và cắt đứt chuỗi cung ứng là đi ngược lại các nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và làm suy yếu các quy tắc thương mại quốc tế.