Theo China Daily, chương trình cho phép công dân Trung Quốc đóng khoảng 12.000 NDT (khoảng 1.872 USD) hàng năm vào tài khoản lương hưu cá nhân. Khoản đóng góp sẽ được điều chỉnh theo sự phát triển kinh tế và xã hội cũng như cách thức phát triển của hệ thống lương hưu trong nước.
Theo hướng dẫn từ Chính phủ Trung Quốc, các khoản tiền trong tài khoản có thể được sử dụng để mua các sản phẩm tài chính có rủi ro tương đối thấp hơn và có thời gian đầu tư dài hạn hơn. Người lao động hiện đang đóng bảo hiểm hưu trí cơ bản vẫn có thể tham gia chương trình trên cơ sở tự nguyện.
Chính phủ cũng sẽ đưa ra các ưu đãi về thuế để khuyến khích người dân tham gia vào hệ thống. Hệ thống hưu trí tư nhân mới sẽ được triển khai tại một số thành phố trong vòng 1 năm, trước khi được mở rộng trên toàn quốc.
Theo giới chuyên gia, đây là một bước đi nhằm mở rộng chương trình hưu trí tư nhân tại quốc gia tỷ dân. Trung Quốc đang vận hành hệ thống lương hưu với 3 trụ cột, trong đó chủ đạo là trụ cột đầu tiên do nhà nước quản lý, chiếm 82,9% tổng giá trị tài sản quỹ hưu trí ở nước này.
Trụ cột thứ hai là các quỹ được chủ sử dụng lao động đóng góp cố định hàng năm. Trụ cột còn lại vẫn ở giai đoạn non trẻ, nhưng có tiềm năng tăng trưởng khi Trung Quốc đẩy mạnh hệ thống hưu trí tư nhân.
Nhóm người trong độ tuổi lao động giảm cùng với tỷ lệ sinh giảm khiến Trung Quốc sắp đối mặt với cuộc khủng hoảng hưu trí, khi tốc độ già hóa dân số tại nước này ngày càng tăng. Theo dữ liệu điều tra dân số được Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố, tỷ lệ sinh của Trung Quốc giảm năm thứ 5 liên tiếp, xuống mức thấp kỷ lục trong năm 2021, với chỉ 10,62 triệu ca sinh, giảm 11,6% so với năm 2020.
Mặc dù đó là mức cải thiện so với mức giảm 18% của năm 2020 (so với năm 2019) nhưng đây vẫn là năm ghi nhận số ca sinh thấp nhất tại Trung Quốc kể từ năm 1949. Số ca sinh gần như không cao hơn số người tử vong, khiến dân số nước này chỉ tăng 480.000 người, lên 1,412 tỷ người.
Đáng ngại hơn nữa là thành phần dân cư thay đổi. Tỷ lệ người trong độ tuổi lao động dưới 60 tuổi đã giảm từ 70,1% trong 10 năm trước xuống còn 63,3% vào năm 2020. Những người từ 65 tuổi trở lên hiện chiếm 13,5% trong tổng số dân Trung Quốc.
Chính phủ nước này dự đoán nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ mất 35 triệu lao động trong vòng 5 năm tới, và tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có thể sẽ chỉ chiếm một nửa dân số Trung Quốc vào năm 2050.
Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ Trung Quốc dự kiến mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm hưu trí quốc gia cơ bản do chính quyền địa phương quản lý, đồng thời khuyến khích phát triển lĩnh vực hưu trí tư nhân, tăng tuổi nghỉ hưu. Từ giữa năm ngoái, Chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch lập công ty hưu trí quốc gia, có vốn điều lệ gần 11,2 tỷ NDT (1,72 tỷ USD).
Hiệp hội Bảo hiểm Trung Quốc cho biết, 17 tổ chức tài chính sẽ góp cổ phần vào công ty này. Trong đó, bộ phận quản lý tài sản của nhóm 5 ngân hàng lớn nhất nước sẽ đóng góp 1 tỷ NDT (152,8 triệu USD) mỗi đơn vị, tương đương 8,97% cổ phần. Ngoài ra, công ty môi giới lớn nhất Trung Quốc Citic Securities, Taikang Life Insurance và công ty đầu tư thuộc Ủy ban Giám sát và Quản lý tài sản nhà nước cũng sẽ tham gia.