Tại hội nghị phổ biến quy định xuất khẩu sầu riêng đông lạnh Việt Nam sang thị trường Trung Quốc, do Cục Bảo vệ thực vật và Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 19-9, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, đã thông tin về việc Trung Quốc đang thử nghiệm trồng sầu riêng trên 2.700ha tại đảo Hải Nam.
Ông Nguyễn Quang Hiếu cho rằng, nếu không chú trọng chất lượng, sầu riêng Việt Nam có thể gặp khó khăn trong duy trì thị phần tại thị trường Trung Quốc, vốn đang là một trong thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới. Mặc dù vậy, ông Hiếu cho rằng, Trung Quốc vẫn có nhu cầu tiêu thụ sầu riêng với khối lượng lớn. Trung Quốc hiện đang nhập khẩu sầu riêng tươi trị giá khoảng 7 tỷ USD mỗi năm và dự báo con số này có thể vượt 10 tỷ USD trong vài năm tới.
Năm ngoái, Trung Quốc đã nhập khẩu sầu riêng đông lạnh với trị giá 1 tỷ USD, con số này sẽ tiếp tục tăng trưởng. Để khai thác thị trường tiềm năng này, các doanh nghiệp sầu riêng Việt Nam cần chú trọng đến chất lượng sản phẩm và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế.
Việc đảm bảo chất lượng sản phẩm không chỉ giúp duy trì sự cạnh tranh mà còn góp phần củng cố uy tín của sầu riêng Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Áp dụng công nghệ bảo quản hiện đại, như công nghệ lạnh sâu, đáp ứng yêu cầu về nhãn mác và an toàn thực phẩm sẽ là giải pháp quan trọng giúp các doanh nghiệp Việt Nam giữ vững và mở rộng thị phần.
Tháng 8 vừa qua, việc Trung Quốc mở cửa thị trường cho sầu riêng Việt Nam, thông qua việc ký nghị định thư cho phân khúc sầu riêng đông lạnh được nhập khẩu vào quốc gia này, là cơ hội để ngành hàng nâng cao giá trị, tránh được rủi ro khi phụ thuộc vào việc xuất khẩu sản phẩm tươi.
Sầu riêng đông lạnh, bao gồm sầu riêng nguyên quả (có vỏ), sầu riêng xay nhuyễn (không có vỏ) và cơm sầu riêng (không có vỏ), là sản phẩm có tiềm năng đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu nông sản. Việc mở cửa chính thức thị trường Trung Quốc cho sản phẩm này sẽ tạo ra cơ hội lớn cho ngành sầu riêng Việt Nam trong thời gian tới.