Trong khi nhóm tàu Hải Dương địa chất 8 (Haiyang Dizhi 8) của Trung Quốc xâm nhập và hoạt động suốt hai tuần qua trong vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam của Việt Nam quanh bãi Tư Chính, thì ngày 17-7-2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng lại nói rằng, Chính phủ Việt Nam nên tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc đối với một số khu vực trên biển Đông và phía Việt Nam cũng nên kiềm chế hành động sẽ làm trầm trọng thêm tình hình trong khu vực.
Ngày 19-7, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị bình luận về phát biểu của ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ, đây là vùng biển hoàn toàn của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam đã tiếp xúc nhiều lần với phía Trung Quốc ở các kênh khác nhau, trao công hàm phản đối, kiên quyết yêu cầu chấm dứt ngay các hành vi vi phạm, rút toàn bộ tàu ra khỏi vùng biển Việt Nam; tôn trọng quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam vì quan hệ hai nước và ổn định, hòa bình ở khu vực.
Có thể thấy, Trung Quốc đưa ra hai căn cứ để yêu sách chủ quyền đối với vùng biển này. Căn cứ thứ nhất là đường lưỡi bò do Trung Quốc vẽ ra. Việc Trung Quốc vẽ đường lưỡi bò liếm qua 60% vùng biển Việt Nam, biến vùng biển không tranh chấp của Việt Nam thành vùng tranh chấp là hoàn toàn phi pháp, không được luật pháp quốc tế công nhận.
Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ Philippines kiện Trung Quốc, một văn bản pháp lý quốc tế hướng dẫn, giải thích Công ước 1982, đã bác bỏ thẳng thừng yêu sách đường lưỡi bò của Trung Quốc. Mặc dù Trung Quốc không tham gia vụ kiện và tuyên bố không chấp nhận phán quyết, nhưng văn bản pháp lý này vẫn nguyên giá trị của nó. Phán quyết khẳng định rằng, đường lưỡi bò là không có cơ sở pháp lý, nghĩa là nó không có giá trị gì để Trung Quốc đòi quyền khai thác tài nguyên trong đường lưỡi bò. Do đó, Trung Quốc không có vùng biển hợp pháp nào tranh chấp với Việt Nam tại khu vực DK1, trong đó có bãi Tư Chính. Tòa Trọng tài quốc tế kết luận rằng, không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc yêu sách các quyền lịch sử đối với tài nguyên, bên ngoài những quyền quy định trong Công ước, tại các vùng biển nằm bên trong “đường chín đoạn”.
Căn cứ thứ hai để Trung Quốc đưa ra yêu sách đối với vùng biển này đó là coi vùng biển này là vùng biển phụ cận của các đảo Trung Quốc đang chiếm đóng trái phép ở Trường Sa.
Trong phán quyết ngày 12-7 năm 2016, Tòa Trọng tài đã xem xét quy chế của các cấu trúc tại biển Đông và các quyền đối với vùng biển mà Trung Quốc có thể đòi hỏi theo Công ước. Tòa Trọng tài nhất trí rằng bãi Scarborough, Gạc Ma, Châu Viên và Chữ Thập là các cấu trúc nổi, chỉ có vùng biển phụ cận không quá 12 hải lý; và Xu Bi, Huy Gơ, Vành Khăn và Cỏ Mây là cấu trúc chìm trong điều kiện tự nhiên, nên không có vùng biển phụ cận 12 hải lý.
Tòa Trọng tài tiếp theo đã xem xét liệu có cấu trúc nào mà Trung Quốc yêu sách có thể tạo ra các vùng biển ngoài 12 hải lý hay không. Tòa Trọng tài giải thích Điều 121 và kết luận rằng các quyền có vùng biển của một cấu trúc phụ thuộc vào (a) năng lực khách quan của cấu trúc; (b) trong điều kiện tự nhiên, nó có thể duy trì hoặc (c) một cộng đồng dân cư ổn định hoặc (d) hoạt động kinh tế mà không phụ thuộc vào tài nguyên bên ngoài và cũng không thuần túy mang tính chất khai thác.
Qua đánh giá hồ sơ lịch sử, Tòa Trọng tài thấy rằng các đảo Trường Sa trong lịch sử từng được các nhóm nhỏ ngư dân từ Trung Quốc và các nước khác sử dụng, và một số công ty khai thác phân chim và đánh cá của Nhật đã có hoạt động tại đây vào những năm 1920 và 1930. Tòa Trọng tài kết luận rằng việc sử dụng tạm thời các cấu trúc của ngư dân không dẫn đến việc cư ngụ của một cộng đồng ổn định và tất cả các hoạt động kinh tế trong lịch sử đều chỉ có tính chất khai thác.
Theo đó, Tòa Trọng tài kết luận rằng tất cả các cấu trúc nổi tại Trường Sa đều là “đảo đá” về mặt pháp lý và không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa, mà chỉ có vùng biển phụ cận là 12 hải lý. Tòa Trọng tài cũng kết luận rằng, Công ước không quy định việc một nhóm các đảo như quần đảo Trường Sa sẽ có các vùng biển với tư cách là một thực thể thống nhất, do đó, không một nước nào có thể vẽ đường cơ sở xung quanh các đảo ở Trường Sa để yêu sách vùng biển phụ cận xung quanh quần đảo Trường Sa.
Như vậy, có thể khẳng định dứt khoát rằng, Trung Quốc không hề có vùng biển hợp pháp nào có thể chồng lấn hay tranh chấp với vùng biển đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phía Nam của Việt Nam, trong đó có bãi Tư Chính.
Hoạt động kéo dài của nhóm tàu Trung Quốc trong vùng biển Việt Nam những ngày qua nhằm mục đích tạo ra nguyên trạng mới, đó là sự tranh chấp ngay trong vùng biển hợp pháp của Việt Nam, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định trên vùng biển Việt Nam. Đây là bước leo thang mới nguy hiểm của Trung Quốc, gây sức ép để Việt Nam phải chấp nhận phương án khai thác chung của Trung Quốc.
Theo quy định của luật pháp quốc tế và thông lệ quốc tế, các nước có vùng biển hợp pháp chồng lấn nhau, thì có thể tiến hành khai thác chung, cùng chia sẻ lợi ích, trong khi chưa phân định được vùng biển chồng lấn. Nhưng khai thác chung theo điều kiện của Trung Quốc về bản chất hoàn toàn khác. Trung Quốc đề nghị tiến hành khai thác chung tại vùng biển của Việt Nam, không hề có tranh chấp hay chồng lấn với vùng biển hợp pháp của Trung Quốc. Do đó, chủ trương khai thác chung do Trung Quốc đưa ra thực chất là cái bẫy chủ quyền, biến vùng biển hợp pháp của nước khác thành vùng biển tranh chấp, rồi từ đó chiếm đoạt vùng biển của nước khác.
Bước tiếp theo, nếu Việt Nam và các nước không chấp nhận phương án khai thác chung của Trung Quốc, thì Trung Quốc đe dọa sẽ đơn phương tiến hành nghiên cứu, thăm dò và khai thác tài nguyên dầu khí trong vùng biển Việt Nam và các nước. Các bước đi này nằm trong chiến lược của Trung Quốc nhằm độc chiếm biển Đông, kiểm soát hoàn toàn tài nguyên trong đường lưỡi bò, chiếm 80% diện tích biển Đông.
Phát biểu ngày 19-7 của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cũng cho biết, các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam tiếp tục triển khai nhiều biện pháp phù hợp thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán một cách hòa bình, đúng pháp luật nhằm bảo vệ vùng biển Việt Nam.
Trước đây, các lực lượng chức năng trên biển của Việt Nam đã nhiều lần đấu tranh thắng lợi, đuổi các tàu Trung Quốc hoạt động trái phép ra khỏi vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Phát huy tinh thần dũng cảm, khôn khéo và sáng tạo, các lực lượng chấp pháp của chúng ta nhất định sẽ bảo vệ thành công chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình trên vùng biển phía Nam của Tổ quốc.