Bước đệm cho Mục tiêu 100 năm lần hai
Trước đó, trong cuộc họp báo diễn ra tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, người phát ngôn Đại hội XX, ông Tôn Nghiệp Lễ (Sun Yeli) cho biết, Đại hội XX sẽ diễn ra tại Bắc Kinh từ ngày 16 đến 22-10. Tại đại hội lần này, khoảng 2.300 đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tề tựu tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh để bầu chọn ban lãnh đạo đảng trong 5 năm tới.
Đánh giá về ý nghĩa của Đại hội XX, truyền thông Trung Quốc nhận định, Đại hội XX hết sức quan trọng đối với Trung Quốc trong thời khắc then chốt, khi Trung Quốc bước vào hành trình mới xây dựng toàn diện đất nước hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu 100 năm lần thứ hai. Theo nhà báo Ngụy Vi (Wei Wei), Trưởng Ban Tiếng Việt Đài Phát thanh - Truyền hình Trung ương Trung Quốc, Đại hội XX có 2 nhiệm vụ quan trọng:
Thứ nhất, hoạch định một cách khoa học những chủ trương lớn, mục tiêu, nhiệm vụ đối với sự phát triển của Đảng Cộng sản Trung Quốc và đất nước Trung Quốc trong 5 năm tới, thậm chí dài hơn. Đại hội XIX đã hoạch định chiến lược gồm 2 bước để xây dựng toàn diện một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, hùng mạnh. Cụ thể, giai đoạn 2020 - 2035, cơ bản thực hiện hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa; từ năm 2035 đến giữa thế kỷ này, xây dựng Trung Quốc thành một nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, giàu mạnh, dân chủ, văn minh, hài hòa và tươi đẹp.
Thứ hai, Đại hội XX sẽ khẳng định rõ ràng hành trình mới và các mục tiêu mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đoàn kết và thúc đẩy nhân dân các dân tộc Trung Quốc phấn đấu giành thắng lợi mới để đạt được mục tiêu chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.
Những con số ấn tượng
Trong thập kỷ qua, nền kinh tế Trung Quốc đã duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và củng cố vị thế toàn cầu với tư cách là một nền kinh tế đóng góp vào tăng trưởng chính. THX dẫn các số liệu và dữ kiện do Cục Thống kê quốc gia cung cấp cho thấy trong giai đoạn 2013-2021, đóng góp của nước này vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt trung bình 38,6%, cao hơn mức của các nước nhóm G7 cộng lại. Về nông nghiệp, trụ cột của nền kinh tế, kể từ năm 2012, sản lượng ngũ cốc, thịt, đậu phộng và chè của Trung Quốc đứng đầu thế giới, trong khi sản lượng hạt cải dầu đứng thứ hai. Về công nghiệp, sản lượng sản phẩm công nghiệp chính của cả nước tăng đều. Sản lượng thép thô, than, điện, xi măng, phân bón, ô tô, máy vi tính và điện thoại di động dẫn đầu thế giới.
Trong bối cảnh nỗ lực mở cửa rộng rãi hơn với thế giới, thương mại nước ngoài của Trung Quốc đã có sự mở rộng mạnh mẽ trong thập kỷ qua. Năm 2020, nước này lần đầu tiên vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia thương mại lớn nhất thế giới, với tổng khối lượng ngoại thương là 5,3 ngàn tỷ USD, tăng từ 4,4 ngàn tỷ USD vào năm 2012. Năm 2021, khối lượng ngoại thương của Trung Quốc mở rộng lên 6,9 ngàn tỷ USD, tiếp tục giữ vị trí đầu tiên trên toàn cầu. Với thị trường rộng lớn 1,4 tỷ dân, kể từ năm 2020, Trung Quốc vẫn là nước nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn thứ hai. Vốn FDI thực tế vào nước này đạt 173,5 tỷ USD năm 2021, so với 113,3 tỷ USD năm 2012, tăng trung bình 4,8% mỗi năm.