Tại Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội) đang diễn ra, dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm đến vấn đề kinh tế của Trung Quốc. Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế đang giảm tốc và quan hệ thương mại căng thẳng với Mỹ, giới quan sát nhận định nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang đối mặt với không ít thách thức.
Nhiều nghi ngại
Trước khoảng 3.000 đại biểu Quốc hội hôm 5-3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhấn mạnh, ưu tiên của chính phủ là thúc đẩy hoạt động kinh tế và thông báo những biện pháp giảm thuế để kích thích tăng trưởng. Theo đó, Chính phủ Trung Quốc chú trọng đến việc giảm các loại thuế đang đè nặng lên ngành công nghiệp chế biến và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó giảm thuế giá trị gia tăng từ 16% xuống còn 13% trong ngành công nghiệp chế biến và trong các lĩnh vực khác.
Ngoài chuyện giảm áp lực thuế, một vấn đề trọng tâm được đưa ra bàn thảo tại kỳ họp quốc hội lần này là sửa đổi Luật Đầu tư nước ngoài. Văn bản này sẽ được thông qua vào ngày 15-3 tới. Trong số các chủ đề gai góc nhất, gây tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc, đáng quan tâm là vấn đề quyền sở hữu trí tuệ và đánh cắp công nghệ. Các doanh nghiệp Trung Quốc bị cáo buộc đã đánh cắp công nghệ của nhiều doanh nghiệp Mỹ mà vụ tập đoàn Huawei là một điển hình.
Theo chuyên gia Philippe Le Corre, dự thảo luật đầu tư mới của Trung Quốc vẫn làm dấy lên nhiều nghi ngờ từ phía Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ vì còn nhiều điểm không rõ ràng. Theo đó, luật đầu tư mới của Trung Quốc nói đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng lại không cấm các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc áp đặt chuyển giao công nghệ. Hoặc Bắc Kinh được quyền kiểm soát cổ đông nước ngoài nếu như lợi ích công bị đe dọa… Điểm khiến phương Tây nghi ngại nhất chính là cách thức thực thi pháp luật.
“Năm 2015, Trung Quốc từng thông báo một đạo luật tương tự nhưng chưa bao giờ được thông qua. Và hiện nay, trong tổng số 170 điều khoản, chỉ có 39 điều sẽ được sửa đổi”, ông Philippe Le Corre nói.
Giới quan sát cho rằng EU và Mỹ đón “tin vui” này trong một trạng thái dè dặt với một câu hỏi lớn: Phải chăng đó chỉ là một chiến thuật nhằm hạ nhiệt cuộc chiến thương mại với Mỹ?
Lắm thách thức
Năm 2018, thặng dư ngoại thương của Trung Quốc đã đạt mức thấp kỷ lục, chỉ với 350 tỷ USD và sẽ tiếp tục giảm trong tương lai. Trong khi đó, mâu thuẫn chủ yếu trong xã hội Trung Quốc đã chuyển thành mâu thuẫn giữa nhu cầu ngày càng gia tăng của người dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn và sự phát triển thiếu cân bằng và không tương xứng. Trong những năm gần đây, với việc chi phí lao động gia tăng và các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường được cải thiện, một số ngành công nghiệp chế tạo giá trị thấp đã bắt đầu dịch chuyển sang các nước láng giềng.
Tăng trưởng đầu tư vẫn còn yếu, và Trung Quốc khó lòng tiếp tục dựa vào việc mở rộng đầu tư để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tiêu dùng hộ gia đình cũng không tăng mạnh. Trong những năm gần đây, các doanh nghiệp đã gia tăng đáng kể đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, tuy nhiên vẫn cần có thời gian để nuôi dưỡng những động lực mới cho sự phát triển kinh tế. Ngành công nghiệp chế tạo có quy mô lớn nhưng không vững mạnh, khoa học và công nghệ nói chung vẫn còn ở mức thấp.
Trong vài năm qua, mặc dù Trung Quốc đã duy trì được điểm mấu chốt là không có rủi ro tài chính mang tính hệ thống và nhìn chung duy trì sự ổn định tài chính, nhưng vẫn không thể tránh khỏi sự xuất hiện của một số rủi ro tài chính mang tính địa phương, chẳng hạn như sự sụp đổ của các nền tảng cho vay ngang hàng (P2P)....
Nhiều chuyên gia dự đoán trong quý 1-2019, kinh tế Trung Quốc có những khó khăn lớn nhưng dự kiến sẽ ổn định vào nửa cuối năm. Tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm dự kiến duy trì 6%-6,5%. 13 triệu việc làm mới sẽ được tạo ra ở các đô thị, xuất nhập khẩu sẽ tăng trưởng chậm lại và thặng dư thương mại sẽ giảm còn khoảng 300 tỷ USD. |