Hiện diện ở nhiều lĩnh vực
Theo thông tin trên báo chí Mỹ, Trung Quốc hiện là khách hàng mua dầu mỏ chính của Trung Đông và cũng là đối tác kinh tế lớn của nhiều nước trong khu vực. Hãng AP nhắc lại cảnh báo của Tướng Frank Mackenzie, người đứng đầu Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ (CENTCOM) và mới có chuyến thăm Trung Đông hồi tháng 5 vừa qua.
Theo đó, ông Mackenzie cho rằng, khoảng trống sau khi Mỹ rời đi sẽ bị Trung Quốc và Nga lấp đầy. Vị tướng này nhận định việc Washington sắp chuyển trọng tâm sang Đông Á đã đi ngược lại lợi ích của đồng minh Saudi Arabia, quốc gia dựa vào Mỹ để chống lại phiến quân Houthi.
Trong khi đó, Bắc Kinh có các mục tiêu dài hạn trong việc mở rộng sức mạnh kinh tế và thiết lập các căn cứ quân sự trong khu vực. Nga thì sẵn sàng bán hệ thống phòng không và các loại vũ khí khác…
Lo ngại của ông Mackenzie được minh chứng qua chuyến công du Trung Đông của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị vào cuối tháng 3-2021. Ông Vương Nghị đến thăm Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Oman, Bahrain, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Ở đó, ông Vương Nghị đã đề cập đến cuộc xung đột Palestine - Israel, Syria, Libya, Yemen và những bất đồng giữa các quốc gia khác của vùng Vịnh.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc thậm chí còn đưa ra các đề xuất cụ thể (điều chưa từng xảy ra trước đây) như Trung Quốc sẵn sàng trở thành một nền tảng cho đối thoại đa phương về cơ chế đảm bảo an toàn cho các cơ sở dầu khí và các tuyến đường vận tải biển.
Về kinh tế, Trung Quốc đã ký một thỏa thuận cung cấp dầu trong 25 năm với Iran. Dù thông tin chi tiết không được tiết lộ, nhưng một số nguồn tin cho hay, Trung Quốc đã sẵn sàng đầu tư 400 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng của Iran.
Trong khi đó, Quỹ đầu tư quốc gia Abu Dhabi của UAE đang đầu tư vào SenseTime - doanh nghiệp trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc - để phát triển hệ thống nhận dạng khuôn mặt. Về hợp tác quân sự, doanh số bán vũ khí của Trung Quốc sang Trung Đông, mặc dù không cao bằng Mỹ nhưng đã tăng vọt trong những năm gần đây. Trong đó, Saudi Arabia đã trở thành khách hàng mua vũ khí lớn của Trung Quốc, chủ yếu là máy bay không người lái…
Cảnh báo, đe dọa
Theo chuyên gia người Nga, chuyên nghiên cứu về các vấn đề quốc tế và châu Âu Vasily Kashin, Trung Quốc đã thâm nhập vào thị trường truyền thống của Mỹ. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, dù Bắc Kinh là đối tác kinh tế chính của nhiều nước trong khu vực nhưng vẫn chưa đạt được vai trò như Mỹ về mặt quân sự. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ khó hợp tác với Trung Đông hơn là với châu Phi.
Sự bành trướng của Trung Quốc khiến Mỹ khó chịu. Đầu tháng 6 này, Lầu Năm góc đã cảnh báo các nước Trung Đông không được hợp tác về an ninh với Trung Quốc và Nga, đồng thời đe dọa trong trường hợp quá đà, chủ quyền của những nước này và mối quan hệ của họ với Mỹ sẽ gặp rủi ro.
Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Dana Stroul tin rằng, đối với các nước Trung Đông, việc lựa chọn hành động theo bên nào là điều hiển nhiên bởi những gì mà Nga và Trung Quốc có thể mang lại cho họ không thể so sánh được với những lợi ích mà họ có được từ việc hợp tác với Mỹ.
Tiếp sau Tổng thống Mỹ, Lầu Năm góc đã nhiều lần lên tiếng về mối đe dọa nhất định đối với Mỹ từ Nga và Trung Quốc. Trong Chỉ dẫn chiến lược an ninh quốc gia tạm thời, Mỹ xác định Trung Quốc và Nga là những mối đe dọa chính, trong đó Trung Quốc được coi là kẻ địch tiềm tàng chủ yếu của Mỹ.
Chỉ dẫn nêu rõ, Bắc Kinh và Moscow đã đầu tư rất nhiều nhằm cố gắng ngăn chặn các ưu thế của Mỹ và ngăn cản Mỹ bảo vệ lợi ích của chính mình và các đồng minh trên thế giới.