Với quyết định đẩy mạnh cải cách hệ thống lương hưu - cho phép hình thành các quỹ lương hưu tư nhân, giờ đây Trung Quốc đang thu hút nhiều quỹ đầu tư từ nước ngoài và người dân cũng sẽ có nhiều kênh lựa chọn để đảm bảo tiền lương hưu của họ thực sự hữu ích hơn.
Theo Financial Times, hệ thống quỹ lương hưu tư nhân tại Trung Quốc vẫn còn ở giai đoạn non trẻ. Một nghiên cứu năm 2020 do Công ty BlackRock và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc thực hiện cho thấy, chỉ có 2.200 tỷ NDT (330 tỷ USD) đã được đầu tư vào các quỹ lương hưu tư nhân. Nhưng từ đầu năm 2022 tới nay, lĩnh vực này đang khởi sắc. Theo dự báo của Công ty McKinsey, kế hoạch lương hưu tư nhân tại Trung Quốc sẽ tạo ra một thị trường trị giá khoảng 10.000 tỷ NDT (1.500 tỷ USD) vào năm 2030.
Vào tháng 4, các nhà chức trách Trung Quốc đã công bố các biện pháp được chờ đợi từ lâu - bao gồm cả ưu đãi thuế - để mở đường cho sự phát triển mạnh mẽ hơn của hệ thống lương hưu tư nhân ở một quốc gia mà tiền tiết kiệm bằng tiền mặt và bất động sản vẫn chiếm ưu thế. Sự thay đổi này không chỉ là một phần quan trọng trong cách tiếp cận của Trung Quốc đối với những thách thức nhân khẩu học phát sinh từ dân số già, mà còn là cơ hội cho một số nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới đầu tư vào Trung Quốc. Ước tính cho biết, trong 20 năm nữa, 28% dân số Trung Quốc (tương đương 400 triệu người) sẽ trên 60 tuổi. Tuy nhiên, các biện pháp cũng bao gồm sự thận trọng cần thiết. Số tiền mà 1 người dân đóng cho các quỹ lương hưu tối đa 12.000 NDT (1.860 USD)/năm để tránh đầu tư quá “nóng”.
Theo South China Morning Post, ông David Li, 43 tuổi, giám đốc điều hành một công ty quản lý tài sản ở Quảng Đông, cho biết, bản thân không thể dựa vào lương hưu cơ bản của chính phủ, hoặc thậm chí là đầu tư cá nhân để duy trì mức sống sau khi nghỉ hưu. Ông Li nói: “Tôi cảm thấy lo lắng khi nói về việc nghỉ hưu vì lương hưu không thể theo kịp lạm phát”.
Tuy nhiên, ông Li giờ đây có thêm lựa chọn mới - là hệ thống lương hưu tư nhân cho phép nhân viên đủ điều kiện thiết lập tài khoản lương hưu cá nhân lựa chọn nhà đầu tư. Ngoài BlackRock là công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới liên doanh với Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc, còn có các công ty quốc tế khác như Goldman Sachs Asset Management hợp tác với Ngân hàng Công thương Trung Quốc, hay công ty quản lý tài sản lớn nhất châu Âu Amundi hợp tác với Ngân hàng Trung Quốc.
Bà Lauren Johnston, giảng viên cao cấp của Trường Kinh tế và Chính sách công tại Đại học Adelaide (Australia), cho rằng, cải cách lương hưu của Trung Quốc hiện là một mệnh lệnh do nhân khẩu học đang thay đổi nhanh chóng. Theo bà, sự phát triển của hệ thống lương hưu tư nhân có thể khuyến khích người cao tuổi tiêu dùng nhiều hơn, và chính phủ cũng có thể hy vọng đây là công cụ trợ lực cho cho hệ thống lương hưu hiện có của chính phủ. Ông Peter Alexander, Giám đốc điều hành tại Z-Ben Advisors, một công ty tư vấn ở Thượng Hải, tin rằng Trung Quốc sẽ tiến triển khá mạnh mẽ với quỹ hưu trí tư nhân, đơn giản vì đó là xu thế.