Sáng 7-12, Tổ Điều hành Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản (Diễn đàn Kết nối nông sản 970) thuộc Bộ NN-PTNT đã tổ chức diễn đàn về xây dựng cơ sở, mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc nông sản - thực phẩm thúc đẩy xuất khẩu và nhìn lại 1 năm đáp ứng Lệnh 248, Lệnh 249 của Trung Quốc.
Diễn đàn được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp tại điểm cầu chính ở Báo Nông nghiệp Việt Nam (Hà Nội), Văn phòng Bộ NN-PTNT phía Nam tại TPHCM với điểm cầu tại các sở NN-PTNT cùng nhiều đại biểu tham dự là các hiệp hội, hợp tác xã, các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, các nhà bán lẻ, hệ thống phân phối đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Theo Bộ NN-PTNT, trong năm 2022, Bộ NN-PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký 5 nghị định thư yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với các mặt hàng nông sản, gồm: sầu riêng, chuối, chanh dây, khoai lang và tổ yến. Điều này mở ra cơ hội rộng lớn cho nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường đông dân nhất thế giới là Trung Quốc. Tuy nhiên cơ hội cũng đi kèm thách thức khi thị trường Trung Quốc ngày càng siết chặt về chất lượng an toàn thực phẩm.
Theo ông Trần Văn Cao, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, một trong những yêu cầu được nêu ra trong các nghị định thư là cơ sở sản xuất phải có mã vùng trồng, vùng nuôi, mã cơ sở đóng gói được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt nhằm quản lý an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Đồng thời, vào tháng 4-2021, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh 248 về “Quy định quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu” và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu”.
Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam, muốn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, bắt buộc phải tuân thủ những quy định mới được nêu trong hai lệnh này - bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 (đến nay đã triển khai gần 1 năm).
Cụ thể là các doanh nghiệp Việt Nam phải đăng ký danh sách xuất khẩu với cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc.
Kết quả đến ngày 5-12, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp 2.426 mã sản phẩm cho khoảng 2.000 doanh nghiệp Việt Nam. Theo ông Nam, so với các nước khác trong khu vực thì đây là con số tương đối lớn.
“Trong số 2.426 mã số sản phẩm có 1.236 mã (chiếm hơn 50%) đăng ký qua cơ quan có thẩm quyền, còn 1.190 mã do các doanh nghiệp tự đăng ký và khai báo qua hệ thống đăng ký online của hải quan Trung Quốc. Về ngành hàng, nhiều nhất là thủy sản với 802 mã số, tiếp theo là các sản phẩm hạt như hạt điều, cà phê, dầu thực vật, bột bánh… Ít nhất là các sản phẩm thực phẩm chức năng”, ông Nam cho biết.
Theo ông Nam, khó khăn hiện nay là có nhiều doanh nghiệp khai báo sai mã số sản phẩm nên bị trả để làm lại. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp chưa nắm vững các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của Trung Quốc. Hiện, Trung Quốc đã thay đổi 10.092 mức dư lượng của 564 loại thực phẩm và cũng đã ban hành 36 tiêu chuẩn quốc gia về an toàn thực phẩm từ tháng 7.
“Chúng ta sản xuất để bán hàng sang Trung Quốc, nên phải nắm các quy định này”, ông Nam nói, đồng thời đề nghị tránh trường hợp các doanh nghiệp chưa được cấp mã số nhưng vẫn xuất khẩu sang Trung Quốc.
Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cũng lưu ý, để đáp ứng điều kiện đăng ký xuất khẩu vào Trung Quốc, doanh nghiệp cần lập và vận hành hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm theo nguyên tắc HACCP (mục 3, Điều 5, Lệnh 248).
Đối với các doanh nghiệp đã đăng ký nhanh năm 2021, cần nhanh chóng bổ sung các thông tin đăng ký trên hệ thống CIFER theo yêu cầu bổ sung của Trung Quốc trước ngày 30-6-2023 (Điểm 5, Mục 1, Công hàm 353). Doanh nghiệp chủ động liên hệ cơ quan thẩm quyền đã nộp hồ sơ đăng ký hoặc Văn phòng SPS Việt Nam để được hướng dẫn.
“Sau thời hạn trên, nếu doanh nghiệp chưa hoàn thiện bổ sung hồ sơ, mã sản phẩm sẽ bị đưa ra khỏi danh sách của Trung Quốc”, ông Nam cảnh báo.
Đề cập cụ thể tới sản phẩm cụ thể là tổ yến xuất khẩu sang Trung Quốc, bà Trần Thị Thu Phương, đại diện của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) cho biết, đây là sản phẩm đặc biệt nên Trung Quốc kiểm soát rất kỹ, đưa ra nhiều yêu cầu như phải giám sát dịch bệnh hàng năm và có kế hoạch giám sát trong các năm tiếp theo. Danh sách các nhà yến xuất khẩu phải được thẩm định, tránh tình trạng thu mua yến từ nơi khác để xuất khẩu, sản phẩm xuất khẩu không được thu mua trong vùng có dịch cúm gia cầm trong vòng 12 tháng gần nhất.
Cũng như các sản phẩm khác, doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu và nuôi yến phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền và phải gửi danh sách cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc, đồng thời phải được cơ quan thú y giám sát.
Để đáp ứng yêu cầu của Lệnh 248 và 249 của Trung Quốc, Cục Thú y sẽ tiến hành lấy mẫu tại các nhà yến để kiểm tra chất lượng. “Từ năm 2019 đến nay, chúng tôi vẫn lấy mẫu kiểm tra nhưng tần suất chỉ có 2 lần/năm. Để đảm bảo yêu cầu của nước nhập khẩu, chúng tôi sẽ tăng tần suất lên”, bà Phương nói. Cùng với đó, cơ quan chức năng sẽ quy hoạch vùng nuôi chim yến, cấp mã số cho các nhà yến.
Trong khi đó, TS Phan Thị Thu Hiền, đại diện Cục Bảo vệ thực vật cho biết, Việt Nam có 7 loại trái cây xuất khẩu truyền thống bao gồm xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và 5 loại xuất khẩu theo hình thức ký kết nghị định thư là măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối và khoai lang được phép xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên hiện nay, Trung Quốc không còn là thị trường dễ tính mà đang có rất nhiều thay đổi.
Cụ thể, Trung Quốc yêu cầu kiểm soát chặt chẽ hàng hóa qua biên giới, nhất là hình thức biên mậu, tiểu ngạch. Đồng thời, Trung Quốc cũng yêu cầu phải đàm phán mở cửa đối với từng loại sản phẩm, ký kết lại nghị định thư xuất khẩu đối với 8 loại trái cây truyền thống, hình thức quản lý tương tự như đối với măng cụt và sầu riêng, yêu cầu khai báo mã vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Việt Nam đang xuất khẩu tạm thời với trái chanh leo và ớt tươi. Các mặt hàng đang tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường là bưởi, na, dừa, roi, chanh… Lô hàng xuất khẩu phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của Trung Quốc.