Trung Quốc chuyển hướng kế hoạch “Made in China 2025”


Chính phủ Trung Quốc vừa có hành động bất ngờ khi yêu cầu các chính quyền địa phương ngừng theo đuổi kế hoạch “Made in China 2025”. Phải chăng Trung Quốc đang thay đổi chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế tạo?
Sản phẩm robot do Trung Quốc chế tạo
Sản phẩm robot do Trung Quốc chế tạo

Điều chỉnh phù hợp

Trong một bản hướng dẫn mới gửi các chính quyền địa phương, Chính phủ Trung Quốc đã bỏ cụm từ “Made in China 2025”, thay vào đó kêu gọi có thêm nỗ lực thúc đẩy xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Cũng trong bản hướng dẫn, Trung Quốc thay đổi các thứ tự ưu tiên để tập trung nhiều hơn vào cơ sở hạ tầng và xử lý ô nhiễm nguồn nước. Các dự án cơ sở hạ tầng mới sẽ tập trung vào xây dựng đường sắt và đường bộ mới. Chính phủ sẽ dành sự hỗ trợ nhiều hơn cho các thành phố, nhất là các thành phố dựa vào các ngành công nghiệp cơ bản, để cải thiện môi trường. 

Trung Quốc được cho là đang soạn thảo một chính sách mới thay thế “Made in China 2025”, trong đó sẽ đưa ra kế hoạch cho doanh nghiệp nước ngoài tiếp cận nhiều hơn với nền kinh tế, tạo thế cạnh tranh công bằng hơn giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nước ngoài. Dự kiến, Trung Quốc sẽ công bố chính sách công nghiệp mới vào đầu năm nay, thời điểm trùng với việc kết thúc thời hạn 90 ngày “tạm ngưng chiến” mà 2 nước Trung - Mỹ đạt được vào đầu tháng 12. Theo đó, giới chức 2 bên phải đạt được một thỏa thuận thương mại trước ngày 1-3-2019, nếu không, Mỹ sẽ tăng mức thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25% (200 tỷ USD).

Trước đây, khi nói đến “Made in China”, người ta thường liên tưởng đến những sản phẩm rẻ tiền và chất lượng thấp. Kế hoạch “Made in China 2025” chính là nhắm đến việc loại bỏ những quan niệm cũ về sản phẩm Trung Quốc, đưa nước này bắt kịp các đối thủ trên toàn cầu trong nhiều lĩnh vực kinh tế then chốt, với tham vọng biến Trung Quốc từ “nước chế tạo lớn” thành “cường quốc chế tạo”. Kế hoạch đề ra những mục tiêu chiến lược khác nhau cho từng giai đoạn (từ 2020 - 2050), liên quan đến các lĩnh vực công nghệ chế tạo mới, công nghệ thông tin mới và đề xuất các biện pháp trợ giúp chiến lược bao gồm: hỗ trợ về tiền vốn và chính sách thuế, đào tạo nhân lực và thu hút đầu tư nhằm đánh bại các đối thủ cạnh tranh trên thế giới trong những lĩnh vực này. 

Sau khi công bố chính sách trên vào năm 2015, Chính phủ Trung Quốc đã dồn nhiều nguồn lực để sớm đưa “Made in China 2025” hoàn thành đúng tiến độ. Theo South China Morning Post, trước khi công bố chính sách, Trung Quốc đã chuẩn bị cho hoạt động R&D (Nghiên cứu và phát triển). Trong giai đoạn 2011 - 2015, Chính phủ Trung Quốc đã chi 2,1% GDP cho R&D, ít hơn 0,1% so với kế hoạch ban đầu. Tuy chưa đạt đến mục tiêu đề ra, nhưng đây vẫn là con số gây chú ý. Theo Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ này là 2,8% ở Mỹ, 2,9% ở Đức và 3,5% ở Nhật Bản. Mục tiêu của Trung Quốc trong 5 năm, 2016 - 2020, là nâng mức đầu tư cho R&D lên 2,5%. Trong năm 2017, chi phí dồn cho R&D trong nhiều lĩnh vực như: năng lượng hạt nhân, năng lượng tái tạo, tàu cao tốc và xe điện của Trung Quốc đã tăng 12,3% so với năm ngoái, đạt con số kỷ lục 254 tỷ USD, trở thành quốc gia đầu tư cho R&D đứng thứ 2 trên thế giới chỉ sau Mỹ. 

Để thực hiện kế hoạch, Trung Quốc tăng cường thành lập hàng chục khu công nghiệp công nghệ cao và vườn ươm doanh nghiệp mới nhằm phát triển công nghệ trí thông minh nhân tạo, chế tạo robot và dữ liệu lớn. Tuy nhiên, đến tháng 6 năm nay, trên phương tiện thông tin đại chúng, cụm từ “Made in China 2025” không còn xuất hiện dày đặc và biến mất trong tháng 7, thời điểm bùng nổ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Thậm chí, trong báo cáo về tình hình phát triển 6 tháng đầu năm về công nghiệp và tin học của Bộ Công nghiệp và Tin học đã không hề nhắc đến cụm từ “Made in China 2025” lần nào.

Tâm điểm tranh cãi Mỹ - Trung 

Cùng với sáng kiến “Vành đai và Con đường”, chiến lược “Made in China 2025” đã trở thành tâm điểm gây tranh cãi, xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc thời gian qua. Chính phủ của Tổng thống Donald Trump cho rằng, “Made in China 2025” đã thách thức vị thế trong lĩnh vực công nghệ cao của Mỹ hiện nay. 
Sau khi Trung Quốc công bố kế hoạch “Made in China 2025”, Mỹ đã lập tức cảnh giác. Một số chuyên gia Mỹ nghiên cứu về Trung Quốc cho rằng, kế hoạch “Made in China 2025” phải dựa vào “mua” và “ăn cắp” để đạt được. Đây chính là nguyên nhân chính khiến Mỹ kích hoạt hoạt động và đánh thuế các sản phẩm kỹ thuật Trung Quốc. Mỹ đưa ra kết luận, ngoài trợ cấp nhà nước, Chính phủ Trung Quốc cũng sử dụng nguồn lực nhà nước giúp các công ty Trung Quốc thu mua công nghệ và các ngành công nghiệp sản xuất chiến lược của nước ngoài, dùng nhu cầu tiếp cận thị trường Trung Quốc để ép buộc các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ, thậm chí dùng cả cơ quan tình báo quốc gia tham gia hoạt động gián điệp thương mại. 

Vào tháng 5-2018, khi đề cập đến “Made in China 2025” tại phiên điều trần ở Quốc hội Mỹ, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho rằng, nếu trong lĩnh vực phát triển công nghệ tương lai, Bắc Kinh cạnh tranh lành mạnh thì không có vấn đề, nhưng bằng cách tăng trợ cấp đầu tư, hạn chế tiếp cận thị trường và dùng thủ đoạn ép buộc chuyển giao công nghệ, lấy việc hy sinh lợi ích của các quốc gia khác làm cái giá phải trả thì đây  là một vấn đề khác. Cũng vì lý do này, “Made in China 2025” khiến Trung Quốc trở nên đáng lo ngại và trở thành đối tượng để chính phủ của ông Donald Trump nhằm vào trong cuộc chiến thương mại. 

Động thái điều chỉnh lại chính sách then chốt trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc khá bất ngờ, nhưng chưa rõ đây có phải là một chiến lược tuyên truyền của Bắc Kinh trong cuộc chiến thương mại với Mỹ hay không. Bên cạnh đó, động thái này không đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã hoàn toàn chấm dứt chiến lược “Made in China 2025”. Nhiều quan chức trong Chính phủ Mỹ bày tỏ nghi ngờ về kế hoạch mới của Bắc Kinh, một số người cho rằng, đây có thể chỉ là chiêu trò đánh lạc hướng của Trung Quốc. 

Trong thời gian 2 bên tiến hành đàm phán, ngoài yêu cầu mà Chính phủ Donald Trump đưa ra đối với Trung Quốc về vấn đề nhập siêu thương mại và hàng rào thuế quan, Washington tìm cách đẩy cuộc chiến sang lĩnh vực kinh tế rộng rãi hơn. Đặc biệt là yêu cầu Trung Quốc xóa bỏ hạn chế về đầu tư của nước ngoài và hạn chế cổ phần, yêu cầu Chính phủ Trung Quốc không được hỗ trợ chính sách và trợ cấp tài chính cho 10 lĩnh vực trọng điểm liên quan đến kế hoạch “Made in China 2025”. Theo giới quan sát, hành động của Mỹ cho thấy rằng, nước này muốn ngăn cản kế hoạch của “Made in China 2025” gây nhiều nghi ngại của Trung Quốc.

Tin cùng chuyên mục